“Hằng ngày, bọn em phải chui vào hầm sâu khai thác vàng, làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt và bị bạc đãi, bị đánh đập dã man. Bữa ăn chỉ có cơm với đầu cá, chuối xanh”, Quang Văn Tùng kể.
Văn Tùng kể thêm: “Hơn 10 tháng lao động khổ sai, em chẳng nhận được đồng lương nào”.
Không chịu nổi cực khổ, ngày 3/4, gần 100 phu vàng bỏ trốn khỏi mỏ vàng huyện Phước Sơn (Quảng Nam).
Vỡ mộng
Di cư từ lòng hồ Thủy điện bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) xuống xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) năm 2006, Quang Văn Tùng và vợ Lương Thị Ngọc Lan dựng một túp lều nhỏ ở bản Kim Hồng. Thiếu đất sản xuất, cuộc sống đôi vợ chồng trẻ và hai con nhỏ gặp nhiều khó khăn.
“Vợ quanh quẩn ở nhà, chẳng có việc gì làm, còn mấy triệu tiền tái định cư em bàn vợ mở một cái quán nho nhỏ bán thuốc lá, bánh kẹo. Em lăn lộn khắp nơi kiếm việc”, Tùng nói.
Đầu tháng 5/2013, qua sự môi giới của người phụ nữ tên Trang cư trú tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Quang Văn Tùng cùng Lương Văn Ngọ, Lương Văn Thúi (bản Kim Hồng) và hai thanh niên khác khăn gói rời Ngọc Lâm xuống Vinh, bắt xe vào Quảng Nam, “đầu quân” làm phu vàng tại mỏ vàng ở huyện Phước Sơn.
“Lúc lên xe, chị Trang giúi cho 5 anh em một triệu rưỡi đồng lộ phí, bảo vô đó đừng có bỏ trốn. Nghe chị Trang nói đến “bỏ trốn”, em đã sợ, định xuống xe quay về nhưng trong túi không có đồng nào, vì tiền chị Trang đưa cho 3 tờ 500.000 đồng một người trong nhóm cầm hết. Thôi đành liều nhắm mắt đưa chân”, Tùng kể.
Chân ướt chân ráo đến nơi đất khách quê người, ngày 16/5, Quang Văn Tùng tiếp cận bãi vàng huyện Phước Sơn, gặp chủ mỏ và được ký hợp đồng lao động với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng. Hợp đồng lập thành hai bản, nhưng ký xong chủ mỏ lại đút túi, thành ra ký cũng như không. “Bọn em đòi một bản, chủ mỏ không đưa, bảo giữ hộ”.
Ngay từ lúc gia nhập đám phu vàng, Quang Văn Tùng bị đẩy vào hầm sâu. “Đường hầm sâu hoắm, ngột ngạt, đi được khoảng 200m em thấy tức ngực không thở được, phải quay ra. Vừa ra đến miệng hầm thì ca trưởng sấn sổ nhảy tới đạp một phát vào lưng, tiếp đó một người bảo vệ mỏ dùng đoản dây đánh tới tấp vào người em!”, Tùng nói.
Sau hôm đó, Quang Văn Tùng được phân công lao động ngoài miệng hầm. Công việc hằng ngày của anh là cào đá, bốc đá lên xe, đẩy xe rùa. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chẳng mấy khi phu vàng được nghỉ ngơi. Chốn khỉ ho cò gáy cũng không có khái niệm thứ Bảy, Chủ nhật.
Quần quật làm từ sáng đến tối mịt, Tùng cho biết bữa ăn của công nhân mỏ đá hết sức kham khổ. “Bữa nào cũng chỉ có cơm với hoa chuối, đầu cá kho. Cứ 6 người được chia 2 cái đầu cá. Thỉnh thoảng mới có tý thịt cải thiện. Đi làm về đói, mệt, nhưng nhiều bữa nuốt không vô!”, Quang Văn Tùng lắc đầu, rùng mình.
Quang Văn Tùng nói, anh “từ cõi chết trở về”
Ban đầu, phu vàng được cấp đều đặn dầu gội, thuốc lá, nhưng dần dần bị cắt hết. “Nhiều lần chúng em hỏi quản lý mỏ, được trả lời là nếu muốn có dầu gội, thuốc lá, thì phải bớt thức ăn. Thức ăn chỉ có hoa chuối xào, đầu cá kho mặn chát, chưa bớt mà đã suy dinh dưỡng. Chàng thanh niên đến từ thượng nguồn Nậm Nơn cũng cho hay, gạo nấu cho phu vàng hằng ngày cũng là thứ gạo kém chất lượng. “Nhiều bữa ăn, có mùi ẩm, mốc”, Tùng kể.
Hầm khai thác vàng thăm thẳm, luồn lách trong lòng núi ẩm thấp, thiếu ánh sáng và thiếu dưỡng khí. “Cuối cùng thì em cũng bị đẩy vào đó, thật kinh hãi!”, Tùng rùng mình nhớ lại. Đi bộ mất 45 phút mới đến được điểm khai thác, đám công nhân cặm cụi cào đá, bốc lên thùng, xung quanh mờ mịt, ngột ngạt, khiến nhiều người kiệt sức, ngất xỉu.
Nước rịn ra từ khe núi làm mềm những phiến đất đá, gia tăng nguy cơ sập hầm, phu vàng có thể bị đất đá chôn vùi bất cứ lúc nào. “Có lúc chúng em thử quẹt diêm châm thuốc, nhưng ánh lửa lóe lên rồi tắt ngấm. Thiếu ô xy, lửa không cháy được!”, Quang Văn Tùng kể.
Quần quật lao động như khổ sai, nghĩ đến bữa ăn hằng ngày khiến chàng trai trẻ thêm ớn lạnh. Anh muốn về nhà nhưng ngặt nỗi, chẳng một xu dính túi, không có tiền tàu xe, tiền ăn dọc đường. Hơn 10 tháng chui rúc trong đường hầm tối tăm, quần quật, lam lũ, Quang Văn Tùng vẫn chưa hề nhận được một đồng tiền lương nào. Hơn nữa, nếu bỏ trốn, nếu bị bắt trở lại thì anh sẽ “ốm đòn”.
Tết Nguyên đán cận kề, chàng trai miền sơn cước háo hức chờ đợi ngày được hồi hương, nhưng hy vọng vụt tắt khi anh nhìn thấy tên mình trong danh sách những người trực tết.
“Em mượn máy điện thoại gọi về cho vợ, cô ấy bảo khổ quá thì về với con, vợ chồng rau cháo qua ngày cũng được. Nghĩ đến hai con nhỏ, em cứ ứa nước mắt, nhưng chẳng còn cách nào khác!”, Quang Văn Tùng nói.
Anh đánh liều lên gặp cai mỏ, năn nỉ xin về quê thăm gia đình, kể cả không trả một đồng lương nào anh cũng chấp nhận, nhưng bị từ chối thẳng thừng. “Sếp hứa là ra Giêng sếp mới thu xếp cho về!”, Tùng bảo. Sau tết, Quang Văn Tùng lại lên gặp cai mỏ trình bày lý do vợ bệnh, con nhỏ không ai chăm sóc, hoàn cảnh khó khăn và xin về thăm nhà. “Nghe em nói xong, cai mỏ nổi khùng, rượt đánh em!”, Tùng nhớ lại.
Ám ảnh
Khổ cực dai dẳng, triền miên và cửa về ngày càng hẹp dần. “Đã có lúc em nghĩ mình sẽ bỏ xác lại ở miền rừng hoang vu, lạnh lẽo”, Quang Văn Tùng nói. Năn nỉ không xong, các phu vàng nung nấu ý định bỏ trốn.
Bảy giờ sáng ngày 3/4, đám phu vàng hè nhau xách túi bỏ chạy khỏi bãi vàng huyện Phước Sơn. “Chúng em vừa chạy được một đoạn thì sau lưng, cai mỏ hô bảo vệ đuổi theo, bắn súng chỉ thiên đe dọa. Bắn xong mấy viên đạn K54, cai mỏ lại lấy súng thể thao ra bắn gần chục phát”, Tùng nhớ lại.
Đoàn người ùa ra từ khe núi, lòng thung, ào ạt như ong vỡ tổ. Ban đầu chỉ có vài chục người, sau đông dần lên đến gần 100 người. Hùng, phu vàng quê ở bản Áng, xã Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) trong lúc tháo chạy lạc đường dẫm trúng đinh sắt, máu tuôn xối xả. Thấy Hùng vừa khóc vừa lặc lè chạy, Tùng và mấy thanh niên quê Nghệ An lao đến đỡ lấy anh, dìu ra đường cái.
Ngôi nhà nghèo nàn của vợ chồng phu vàng Quang Văn Tùng. Ảnh: Quang Long
Sau bốn giờ cắt đường rừng chạy bộ, họ gặp hai chiếc xe tải đi ngược chiều. Đám người nhốn nháo trèo lên xe, di chuyển ra thị trấn Khâm Đức. “Tại thị trấn, chúng em gặp chủ mỏ, ông ta cho người mua cơm, nấu mì tôm cho công nhân ăn cho đỡ đói rồi nói ai đi làm trước tết thì cho về thăm gia đình, số còn lại, ai không muốn về thì có thể vào làm trở lại”, Quang Văn Tùng kể.
“Có phu vàng không chịu được khổ cực, bỏ trốn, bị bắt trở lại, cai mỏ đánh cho gần chết. Có đứa bạn em ở Kỳ Sơn bị đánh hộc máu mồm máu mũi, chảy máu tai, sợ để ở bãi vàng anh này bị chết nên cai mỏ giúi cho 500 ngàn rồi thả cho về. Có người ở Nghệ An bị hành hạ thậm tệ, lê lết về được đến nhà thì hóa điên!”.Quang Văn TùngTùng cho biết, hơn 10 tháng quần quật lao động, anh chỉ được chủ mỏ trả cho 5 triệu đồng tiền lương. Khi anh thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Đây là tiền nghỉ phép chứ không phải tiền lương. Về thăm gia đình rồi quay lại làm, 6 tháng sau sẽ thanh toán đầy đủ!”. Kể đến đây, bỗng dưng Quang Văn Tùng bật cười: “Bọn em đi làm phu vàng, đi làm thuê chứ có phải đi bộ đội đâu mà nghỉ phép. Xin nghỉ về thăm nhà thì không cho nghỉ, giờ lại bảo nghỉ phép, bày đặt quá!”.
Cùng tháo chạy khỏi bãi vàng với Quang Văn Tùng, có Quang Văn Mằn (xã Lưu Kiền, huyện Kỳ Sơn), Vi Văn Duy, Vi Văn Toàn (xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, Nghệ An). Lộ phí xe đường dài, xe ôm hết bảy trăm ngàn đồng, còn mấy triệu anh đưa hết cho vợ. Năm triệu đồng cho gần 1 năm chui rúc trong hầm sâu, đối mặt với sốt rét rừng và những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Rẻ rúng làm sao! Khi được hỏi liệu anh có quay lại mỏ vàng nữa hay không, chàng trai quê Tương Dương giấu cái nhìn xanh xao: “Khiếp rồi! Đời con đời cháu cũng không dám cho đi làm phu vàng nữa mô!”.
Tiền Phong từng đã có loạt bài về sự khốn cùng của những phu vàng ở đây. Vậy, chính quyền sở tại và cơ quan chức năng đã có động thái gì trước tình trạng này? Chúng tôi sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc.