Đến nay, dù chuyện báo oán của các loài vật với những chủ lò mổ chỉ là lời đồn thổi, nhưng những cái chết của một số người đã khiến nhiều người hoảng sợ, bỏ nghề...
Rùng rợn cảnh giết mổ ở làng “đồ tể”
Mới 2 giờ sáng nhưng ở làng Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tiếng chó sủa đã vang lên inh ỏi. Khi những con chó được các chủ lò mổ lôi ra từ chuồng nuôi nhốt thì chiếc búa sắt cũng liên tiếp được giáng xuống. Có chứng kiến cảnh các thợ mổ vung búa và nghe tiếng kêu thảm thiết của loài vật thân thiết nhất với con người này mới thấy rùng rợn và ám ảnh. Nếu ai yếu vía, có lẽ không đứng nổi vài phút.
Đến làng Cao Hạ, ban ngày im ắng như bao vùng quê bình yên khác, nhưng khi mới bắt đầu chuyển canh sang ngày mới thì tiếng chó sủa, tiếng xe đến lấy hàng rầm rộ, inh ỏi. Sau mấy chục năm, giờ đây, các chủ lò mổ ở làng Cao Hạ còn sang tận các nước láng giềng như Lào, Cămpuchia để thu mua chó sống. Cứ mỗi chuyến đi về như vậy, những chiếc xe tải lại chất đầy cả trăm, nghìn con về để các chủ lò mổ ở làng Cao Hạ “hóa kiếp” rồi nhập cho các quán nhậu.
Ngồi quán nước ven đường, trò chuyện với cụ T, một cao niên chứng kiến sự thăng trầm của làng Cao Hạ gần cả thế kỷ qua, khi nói về làng mình, cụ không tỏ vẻ tự hào chút nào. “So với ngày xưa thì giờ người dân làng Cao Hạ đã khá hơn rất nhiều so với các làng khác, nhưng khi đi đâu, ai cũng bảo chúng tôi là làng “đồ tể”. Đúng là cái việc giết chó, loài động vật thân thiết nhất với con người cũng hơi tàn nhẫn, nhưng đã là cái nghề thì phải làm thôi. Đến nay, nhiều người đã bỏ nghề nhưng cũng có người tiếp tục làm giàu bằng nghề này, rồi truyền từ đời bố sang đời con, rồi đời cháu”, cụ T nói.
Nếu như làng Cao Hạ nổi tiếng về “lò mổ chó lớn nhất miền Bắc” thì làng mổ trâu Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng nổi tiếng không kém. Chỉ ngay khi bước qua cổng làng thì một mùi hôi thối nồng nặc vì ô nhiễm môi trường ở đây khiến cho ai một lần đến cũng “nhớ mãi không quên”.
Đường vào làng mổ chó Cao Hạ. Ảnh: P.B |
Sự ghê rợn ở các lò mổ chó có lẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với làng mổ trâu ở Phúc Lâm này. Theo người dân ở Phúc Lâm thì nghề mổ trâu đã có từ 100 năm trước. Hai người “khai sinh” đưa nghề mổ trâu về làng là cụ Đào và một người nữa tên Chắt, quê gốc ở tỉnh Bắc Ninh. Những năm từ thập kỷ 80, gần như tất cả người dân ở đây đều làm nghề mổ trâu, nhưng giờ đây trong 500 hộ của làng Phúc Lâm chỉ có gần 50 hộ làm nghề truyền thống này.
Trong hành trình đi tìm hiểu về hai ngôi làng “đồ tể” nổi tiếng cả khu vực phía Bắc này, người viết được nghe những câu chuyện, lời đồn thổi đầy huyễn hoặc về những cái chết của các chủ lò mổ hoặc người thân của họ. Người ta cho rằng, do làm nghề sát sinh nên các chủ lò mổ hay bị các loài vật hiện hồn về báo oán, người thì không tin nên bác bỏ và cho rằng, đó chỉ là những cái chết trùng hợp, ngẫu nhiên.
Tuy vậy, một thực tế ở các làng “đồ tể” này, nhiều người đã phải bỏ nghề vì những ám ảnh của máu, những tiếng kêu đau đớn của loài vật và bởi những cái chết đầy bí ẩn.
Những cái chết thương tâm
Trở lại câu chuyện ở làng mổ chó Cao Hạ, khi nói đến chuyện sát sinh, cụ T nhìn vào ngôi đền Giang Xá rồi bảo, cứ đến mùng Một, ngày Rằm âm lịch hàng tháng, đền Giang Xá lại ngùn ngụt người đến thắp hương, khấn lạy. Theo cụ T, đến đền Giang Xá thì nhiều thành phần, nhưng các chủ lò mổ thì gần như không thiếu một ai. Giờ đây, người làng Cao Hạ vẫn nổi tiếng là nơi giết mổ chó lớn nhất miền Bắc này nhưng gần như không có ai tự tay sát sinh nữa. “Bởi họ sợ nghiệp chướng và báo oán nên đành thuê nhân công ở các tỉnh khác về làm. Tiền công họ bỏ ra thuê sẽ giảm bớt lợi nhuận nhưng họ sẽ không bị ám ảnh bởi việc sát sinh nữa”, cụ T cho biết.
Nói đến chuyện báo oán, cụ T nhắc đến những cái chết đầy sợ hãi và lời đồn thổi của người dân về những chủ lò mổ ở làng Cao Hạ những năm trước. Trong đó, sợ nhất là cái chết của ông H, trong khi đang nhúng chó vào vạc nước sôi thì không biết như thế nào mà lại rơi cả người vào đó. Khi người nhà phát hiện, đưa ông H ra khỏi vạc nước sôi thì cả người ông bong hết lớp da bên ngoài... Sau cái chết của ông H, còn có nhiều cái chết bí ẩn khác nữa như ông V bị điện giật chết khi cắm quạt để thui chó, rồi ông L cũng chết vì bị chó dại cắn.
Ông K, một trong những chủ lò mổ lớn nhất ở làng Phúc Lâm trước đây cho biết, ở làng này đã có rất nhiều người bỏ nghề vì sợ chuyện báo oán, tâm linh. “Nói thật làm nghề này cũng vì mưu sinh, chứ giết trâu, giết chó có lẽ chẳng ai muốn làm. Cảm giác khi cầm cái búa sắt nện vào đầu những con vật thân quen với con người như thế nhiều lúc cũng cảm thấy rờn rợn. Lúc còn trẻ nhiều lúc đã muốn bỏ nghề, nhưng nghĩ lại, bỏ nghề chẳng biết làm gì nên khi đã có tuổi, tôi mới hạ được quyết tâm. Tuy muộn nhưng giờ tôi cũng cảm thấy thanh thản”, ông K cho biết.
Nói về chuyện có báo oán, ông K bảo: “Về mặt tâm linh, tôi vẫn luôn tin là có”. Rồi ông K kể về những cái chết đầy thương tâm của thân nhân các chủ lò mổ. Trong đó, ba cái chết của gia đình bà M chỉ trong vòng hai năm là kinh hãi nhất. Đầu tiên là người con sinh năm 1968 tự nhiên chết, rồi đến người thứ hai là một thợ mổ có tiếng của vùng đang khỏe mạnh cũng lăn ra ốm rồi mất không lâu sau đó. Chưa hết, cô con gái út giỏi giang đang học trên Hà Nội trên đường về thăm nhà bị tai nạn rồi mất năm 2012.
Ngoài ba cái chết của gia đình bà M thì những trường hợp khác như ông D bị trâu húc thủng bụng rồi chết, bà A bị trâu điên hàng xóm xổng chuồng húc chết và hàng loạt người khác bị trâu húc trọng thương đã khiến nhiều người dân trong làng sợ trâu báo oán.
Và có một điều nữa, cũng như ngôi đền Giang Xá ở làng mổ chó Cao Hạ, ở Phúc Lâm cũng có ngôi chùa luôn kín người. Ở đó, cứ đến ngày mùng Một, Rằm ngôi chùa lại nghi ngút khói hương. Có người bảo, nhiều chủ lò mổ đến thắp hương, cầu xin sự yên bình.