4 thành phố dọc sông Dương Tử đã tuyên bố cảnh báo lũ mức cao nhất trong 2 ngày qua sau khi mưa lớn gây lở đất và đường xá, đồng ruộng bị ngập lụt. Một số đoạn sông đe dọa vỡ bờ. Các chuyên gia cho biết "báo động đỏ" tại Hàm Ninh, Kinh Châu tỉnh Hồ Bắc và Nam Xương, Thượng Nhiêu tỉnh Giang Tây đã làm nổi bật sự dễ tổn thương của Trung Quốc trước thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và những rủi ro từ việc phát triển quá mức bãi bồi.
Khoảng 140 người đã chết hoặc mất tích do bão. Đài CCTV ngày hôm nay cho biết thiệt hại kinh tế tích lũy đã vượt quá 60 tỷ nhân dân tệ (8,6 tỷ USD). Trung Quốc đã đổ lỗi cho điều kiện thời tiết bất thường, chẳng hạn như độ ẩm từ Biển Đông và Ấn Độ Dương là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng Bắc Kinh cũng nói rằng các biến đổi lâu dài trong hình thái khí hậu cũng khiến họ dễ tổn thương hơn.
Vào tháng 6, lượng mưa cao hơn so với trung bình hàng năm là 13,5%, theo dữ liệu chính thức. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết nước này đã trải qua số sự cố do mưa lớn tăng 20% kể từ năm 1961.
"Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc phù hợp với sự gia tăng của tình trạng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu", Liu Junyan, một nhà vận động thuộc nhóm môi trường Greenpeace cho biết. "Tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, chúng tôi đã thấy sự thay đổi lượng mưa rất lớn trong những thập kỷ gần đây và hậu quả là lũ lụt".
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Nam Kinh cho biết thiệt hại về kinh tế do lũ lụt tăng lên 25,3 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2006-2018, tăng gần 1/3 so với mức trung bình hàng năm của giai đoạn 1984-2018. Mỗi lần tăng 0,5 độ C sẽ dẫn tới thiệt hại lũ lụt hàng năm tăng 60 tỷ USD, họ ước tính.
Rủi ro từ các bãi bồi
Mặc dù khí hậu là một yếu tố chính nhưng lũ lụt của năm nay cũng cho thấy những rủi ro ngày càng tăng từ việc phát triển quá mức các bãi bồi. Đó là ý kiến của Ma Jun, giám đốc Viện Các vấn đề Môi trường và Công cộng độc lập (IPE), cơ quan giám sát các con sông của Trung Quốc cho biết. "Lượng mưa lớn nhưng không phải cao nhất. Lũ lụt sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, đặc biệt là ở nơi trũng thấp", ông nói.
Trung Quốc dễ bị tổn thương bởi lũ lụt trong suốt chiều dài lịch sử. Các điều kiện khí hậu trở nên tồ tệ hơn bởi các hoạt động của con người như phá rừng, cải tạo vùng đất ngập nước và dự trữ nước để sản xuất điện, tưới tiêu.
Bắc kinh đã lần lượt tìm cách thiết kế một giải pháp cho vấn đề này, đó là những dự án đập khổng lồ dùng để điều tiết dòng chảy dọc sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á.
Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ đã lưu trữ khoảng 50.000 mét khối/giây trong tuần này, trong khi chỉ xả 35.000 mét khối/giây để giảm tác động của lũ lụt ở hạ lưu. Theo Bộ Tài nguyên nước, mực nước tại hồ chứa hiện cao hơn 3,5m so với các mức cảnh báo.
Ông Ma cho biết cần quy hoạch đô thị tốt hơn và tăng cường nỗ lực xây dựng "những thành phố bọt biển" có khả năng hấp thụ nước để giảm bớt rủi ro dài hạn đang gia tăng. "Trung Quốc đã dành nhiều tài nguyên hơn để xây các đập, hồ chứa và kiểm soát lũ lụt. Nhưng chúng không phải thuốc chữa bách bệnh", ông nói.