Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 mới được công bố, trong sô 10 quốc gia hạnh phúc nhất thì có 9 quốc gia thuộc châu Âu. Sau Phần Lan, các quốc gia tiếp theo là Đan Mạch, Thụy sĩ, Iceland, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Luxembourg, New Zealand và Áo. Trong khi đó, Mỹ đứng ở vị trí 19, giảm một bậc so với năm ngoái.
Đồng tác giả báo cáo Jeffrey Sachs nói với AP: "Chúng tôi nhận thấy sự hài lòng trong cuộc sống được cho là hạnh phúc nhất từ năm này qua năm khác tại các nền dân chủ xã hội của bắc Âu. Mọi người cảm thấy an tâm ở những nước đó, vì vậy sự tin tưởng rất cao. Chính phủ được coi là đáng tin cậy và trung thực, sự tin tưởng lẫn nhau rất cao".
Báo cáo thường niên do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đưa ra và xếp hạng 149 quốc gia dựa trên GDP, tuổi thọ khỏe mạnh và ý kiến người dân. Nó cũng khảo sát người dân về mức độ hỗ trợ xã hội nếu có chuyện gì đó xảy ra, quyền được tự do lựa chọn cuộc sống, ý thức về mức độ thối nát của xã hội và mức độ hào phóng của xã hội đó. Tất cả đều được đánh giá theo thang điểm từ 1-10.
Báo cáo thường bao gồm dữ liệu từ 3 năm khảo sát trước đó để "tăng kích thước mẫu và giữ giới hạn tin cậy nhỏ hơn". Tuy nhiên, năm nay, các nhà phân tích đã đưa ra một danh sách riêng về các quốc gia hạnh phúc nhất chỉ dựa trên kết quả từ năm 2020 để xem các nước đang sống như thế nào trong đại dịch, tách biệt hẳn với các năm trước.
Phần Lan vẫn đứng đầu trong danh ách này. Theo thông cáo, các tác giả báo cáo nhận thấy yếu tố quan trọng nhất để có được hạnh phúc là "lòng tin của mọi người vào nhau và niềm tin vào chính phủ của họ".
"Chúng ta cần rút ra bài học từ Covid-19. Đại dịch nhắc nhở chúng ta về những mối đe dọa môi trường toàn cầu, nhu cầu cấp thiết phải hợp tác và những khó khăn trong việc đạt được hợp tác giữa mỗi quốc gia và toàn cầu", ông Sachs nói.
"Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 nhắc nhở chúng ta phải hướng tới một cuộc sống hạnh phúc thay vì chỉ giàu có. Sự giàu có sẽ là phù du nếu chúng ta không giải quyết các thách thức phát triển bền vững một cách tốt hơn".
(Theo New York Post)