Theo cập nhật mới nhất từ tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation(NEF), Việt Nam đã thăng hạng trong bảng xếp hạng chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI), đứng thứ 5 thế giới và đứng thứ đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
HPI được tính toán dựa trên 4 tiêu chí đó là chỉ số hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình, bất bình đẳng thu nhập và dấu chân sinh thái. Những tiêu chí này được quy đổi ra điểm, điểm số tỷ lệ thuận với chỉ số hạnh phúc của một nước.
10 quốc gia có chỉ số HPI cao nhất là Costa Rica, Mexico, Colombia, Vanuatu, Việt Nam, Panama, Nicaragua, Bangladesh, Thái Lan, Ecuador.
Theo NEF, Việt Nam là một trong 3 quốc gia nằm trong top 10 có chỉ số Dấu chân Sinh thái đủ nhỏ để được coi là bền vững về môi trường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bảo vệ môi trường trước áp lực phát triển kinh tế. Khi chỉ số dấu chân sinh thái ngày một tăng chứng tỏ nền kinh tế đang đi lên, nhưng cái giá sẽ rất đắt.
Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao về dịch vụ công, tỷ lệ phổ cập giáo dục cao, 98% dân số. Về bất bình đẳng thu nhập, Việt Nam làm tốt hơn quốc gia đầu bảng Costa Rica. Nước ta là đất nước tiêu biểu trong cuộc chiến chống đói nghèo khi giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn 10,7% năm 2010.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,5 năm theo Liên hợp quốc. Mặc dù GDP của chúng ta chỉ tương đương với Gambia nhưng tuổi thọ lại cao hơn quốc gia châu Phi này tới 17 năm.
Các quốc gia Đông Nam Á có chỉ số xếp hạng cao trong năm nay gồm Philippines (thứ 14), Indonesia (16), Lào (19), Malaysia (33), Myanmar (39), Thái Lan (41), Singapore (49), Campuchia (80). Trong khi đó, nhiều nước giàu có lại có thứ hạng thấp: Ý (69), Pháp (71), Anh (74), Nhật (75), Canada (89), Úc (102), Nga (108), Mỹ (114).