Xôn xao giếng nước thần cứ đọc đúng câu thần chú là nước dâng lên
Giếng nước thần, người dân địa phương gọi là “Mỏ Rằng Phặt” (Rằng: ổ, vũng..., Phặt: sôi) nằm ẩn mình trong một thung lũng yên tĩnh và hoang sơ của xóm Lũng Sạng, xã Hồng Quang, huyện Quảng Hòa.
Mỏ nước là một lòng chảo có diện tích khoảng hơn 100m2, sâu 3m. Mực nước mỏ dao động theo mùa. Mùa mưa (tháng 4-8) nước dâng lên ngập cả khu Rằng Phặt, khi nước rút mỏ nước sâu trung bình khoảng 1m. Mùa khô mỏ nước lộ rõ một hốc đá chứa nước đường kính 1m. Cách đấy 3m là một hang đá tương truyền là nơi trú ngụ của ba cô gái.
Truyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình giàu có nhất làng, trong nhà có ba cô con gái xinh đẹp đương tuổi cập kê, tên là Sằm, Sỏi, Mỏi, mặc dù có nhiều chàng trai đến hỏi nhưng ba cô đều từ chối. Vì nhà có rất nhiều vàng bạc, châu báu nên người cha đã đem giấu vào trong hang đá của làng và nhốt ba cô con gái của mình vào trong đó với nhiệm vụ bảo vệ kho báu. Người cha dặn các con khi có kẻ trộm đến thì dâng nước lên bịt khe đá để chặn lối vào hang. Vì vậy, khi có tiếng động cảnh báo kẻ trộm đến cướp kho báu hoặc có người đến gọi và thông báo cho Ba cô “Tý Sằm, Tý Sỏi, Tý Mỏi Rằng Phặt / Sặc Kim, Sặc Ngằn lố/ Bó áu nặm khảu mà/ Boong au ngằn léo lớ” (Cô Sằm, Cô Sỏi, Cô Mỏi Rằng Phặt, trộm vàng trộm bạc đến, không dâng nước lên/ kẻ trộm lấy vàng hết đấy), ba cô sẽ dâng nước lên ngập cả khu mỏ và bịt kín lối vào hang, bảo vệ an toàn cho kho báu mà các cô đang trông coi.
Du khách đến đây, hãy trải nghiệm tâm linh, trong không gian tĩnh lặng, hoang vu tự mình tạo ra âm thanh cảnh báo ba cô bằng cách vỗ mạnh tay hoặc lấy đá, lấy cây đập mạnh vào trong lòng hang...và gọi các cô 3 đến 5 lần. Sau khi gọi trong hang sẽ xuất hiện âm thanh róc rách, đồng thời nước ở hốc đá dần dần dâng lên, đặc biệt vào mùa mưa nước nhiều cả mỏ nước sủi lên sùng sục, vì thế bà con gọi nơi đây là “Rằng Phặt”.
Chu kỳ dâng nước sau khi có tác động âm thanh thì mực nước lên liên tục 2, 3 lần khoảng 10-25 cm thì ngưng lại. Sau khoảng 10-15 phút nước rút xuống rồi lại tiếp tục dâng lên.
PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giải thích hiện tượng kỳ bí ở mỏ nước thần như sau: Khi người ta hô, gọi hoặc vỗ tay sẽ tạo ra luồng không khí, tạo ra tiếng động, tạo ra sóng âm thanh lan truyền trong không khí, tác động vào các vật thể xung quanh như mặt đất, mặt nước, bề mặt của các khối đá, các hang hốc... Tác động vào mặt nước sẽ khiến cho mặt nước xao động, thậm chí lõm xuống. Nước là dạng vật chất không thể nén thêm được nên lõm chỗ này nghĩa là đồng thời sẽ dềnh lên ở chỗ khác. Hiện tượng xảy ra ở mỏ nước thần rất kỳ lạ, độc đáo vì mực nước dâng lên, hạ xuống khá lớn, khá lâu, có lẽ chỉ xảy ra khi kết hợp thêm một số yếu tố nữa. Thứ nhất, nước ở Rằng Phặt rất sẵn, rất nhiều, mùa nào cũng có trong khi các khu vực xung quanh có thể khô cạn. Ta biết rằng hơn một nửa diện tích CVĐC Non Nước Cao Bằng là đá vôi, đặc biệt là rất phát triển các hệ thống hồ-sông-hang ngầm karst liên thông với nhau, kiểu như quần thể 36 hồ-sông-hang ngầm Thang Hen, trong đó Thang Hen là hồ chính, nhận nước từ các hồ, sông-hang ngầm khác. Có thể Rằng Phặt cũng là một cái “rốn tụ thủy” như vậy.
Bí ẩn về dòng suối kỳ lạ 15 phút ngừng chảy một lần
Suối Intermittent Spring nằm ở phía đông thị trấn Afton, dưới chân hẻm núi Swift Creek, bang Wyoming của Mỹ là một trong những con suối nổi tiếng thế giới vì rất đặc biệt. Đúng như tên gọi của nó là “suối Ngắt quãng chảy không liên tục”, con suối này ngắt quãng một cách nhịp nhàng, khi cứ chảy 15 phút lại ngừng. Suối nước trong vắt, lạnh như băng.
Đến nay, sự chảy ngắt quãng của suối là một trong những thách thức khiến các nhà khoa học phải đau đầu. Giả thuyết được đặt ra là nhịp điệu ngắt quãng của con suối phụ thuộc vào hiệu ứng siphon, khiến nó có thể chảy và dừng ở những khoảng thời gian nhất định. Hiệu ứng siphon này thường được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày như hệ thống thoát nước ở bồn cầu, chậu rửa, lavabo…
Giáo sư Kip Solomon, nhà thủy văn học tại đại học Utah, cho biết: “Chúng tôi không thể nghĩ ra một lời giải thích nào khác vào lúc này”. Dữ liệu nghiên cứu từ đại học Utah cho thấy nước đã tiếp xúc với không khí dưới lòng đất tại dòng suối này, và điều này càng góp phần khiến các nhà khoa học tin tưởng hơn vào giả thuyết siphon.