Cà tím là loại rau phổ biến, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Loại rau này có vị ngọt, tính mát, giàu chất dinh dưỡng như đạm, béo, đường bột, vitamin, canxi, phốt pho, sắt... Nó không chỉ có tác dụng hạ cholesterol mà còn giảm đau bụng kinh, viêm dạ dày mãn tính và phù thận.
Tác dụng của cà tím
1. Chống lão hóa
Cà tím chứa vitamin E, có tác dụng cầm máu, chống lão hóa. Thường xuyên ăn cà tím có thể giữ cho hàm lượng cholesterol trong máu không tăng cao, có tác dụng tích cực trong việc trì hoãn sự lão hóa của con người.
2. Hạ mỡ máu và huyết áp
Cà tím chứa saponin, có tác dụng bảo vệ gan, hạ thấp cholesterol trong máu, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, lipit, axit nucleic trong cơ thể, cải thiện chức năng cung cấp oxy và lưu lượng máu của cơ thể.
3. Bảo vệ hệ tim mạch
Cà tím chứa vitamin P, có thể ngăn ngừa vitamin C bị phá hủy, bảo vệ và tăng cường tính đàn hồi của thành mao mạch, giúp mao mạch dày lên, ngăn ngừa vỡ mạch máu, bảo vệ chức năng tim mạch bình thường.
4. Giúp nhuận tràng
Cà tím chứa rất nhiều chất xơ, sau khi chất xơ đi vào đường tiêu hóa của cơ thể con người, nó có thể hấp thụ một lượng lớn nước, làm mềm phân, kích thích nhu động ruột, do đó có tác dụng nhuận tràng, giúp giảm táo bón.
5. Lợi tiểu, giảm phù nề
Cà tím rất giàu kali, ăn cà tím có thể thúc đẩy bài tiết nước tiểu, có tác dụng lợi tiểu tiêu sưng. Nó có thể giúp làm giảm một số triệu chứng khó chịu, đặc biệt là đối với những người bị cổ trướng và phù nề tay chân do đi tiểu ít.
6. Thanh nhiệt, hoạt huyết
Cà tím là loại rau có tính mát, mùa hè ăn nhiều cà tím có thể thanh nhiệt. Ngoài ra, cà tím rất giàu vitamin P, trigonelline, choline và các thành phần khác, có thể tăng tính đàn hồi của mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm huyết khối.
Những ai không được ăn cà tím
1. Người bị khó tiêu
Những người bị khó tiêu nên tránh ăn cà tím vì nó có thể làm tăng gánh nặng cho dạ dày và đường ruột, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
2. Người tỳ vị hư nhược
Người tỳ vị hư hàn ăn cà tím rất dễ bị khó tiêu. Theo đông y, cà tím là thực phẩm tính hàn, người bệnh tỳ vị ăn vào dễ bị tiêu chảy. Nếu ăn nhiều cà tím, độ ẩm trong cơ thể tăng lên, từ đó gây ra các loại bệnh ở giai đoạn sau.
3. Người bị tiêu chảy
Cà tím có tính lạnh, không thích hợp cho người bị tiêu chảy. Ăn vào, bệnh nhân có thể đi ngoài nhiều hơn và gặp những tác dụng phụ khác.
4. Phụ nữ mang thai
Cà tím chứa nhiều solanine, phụ nữ mang thai ăn quá nhiều cà tím dễ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi.
5. Phụ nữ đang đến kỳ
Tới kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ tương đối yếu, tử cung ở trạng thái mở. Nếu ăn cà tím thì sẽ kích thích tử cung, dễ dẫn đến một số tác dụng phụ. Do đó, tránh ăn cà tím vào kỳ đèn đỏ để buồng trứng không bị lạnh, tử cung không bị kích thích, kinh nguyệt duy trì bình thường.