Leonhard Birnbaum, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Đức E.ON cho biết rất nhiều quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. "Tôi nghĩ điều này là sai... Một động thái như vậy không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới Đức mà châu Âu cũng sẽ đối mặt với vấn đề lớn. Ví dụ, Slovakia phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga. Các nước như Cộng hòa Czech, Áo nhận hầu hết khí đốt từ Nga. Nhiều nước EU khác nó chiếm tỷ lệ đáng kể", ông Birnbaum nói với tờ Handelsblatt.
Theo người đứng đầu E.ON, vấn đề cung cấp khí đốt phải được thảo luận ở cấp độ châu Âu chứ không phải cấp quốc gia. "Nếu chúng ta tin mình có thể đáp ứng được nguồn cung cho Đức mà không cần quan tâm đến các nước khác thì điều này sẽ gây chia rẽ trong EU", ông nói thêm.
Người đứng đầu E.ON nhấn mạnh rằng an ninh nguồn cung năng lượng cho Đức chưa được đảm bảo đầy đủ. Theo ông, phải mất ít nhất 3 năm Berlin mới chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Ông Birnbaum cho biết trong thời gian ngắn hạn, giá điện vẫn ở mức cao.
Vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kích hoạt mức cảnh báo sớm do lo ngại Nga cắt nguồn cung khí đốt do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Vào tháng 2, Berlin tuyên bố ý định giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong tương lai gần. Đức lên kế hoạch ngừng nhập khẩu than đá và dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào năm 2024.
Đầu năm 2022, Đức nhập khẩu gần 55% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 40%. Berlin coi nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Qatar, Mỹ và các quốc gia khác là giải pháp thay thế cho khí đốt Nga.
(Theo Handelsblatt)
>> Xem thêm: Phụ thuộc khí đốt 100%, Serbia nói trừng phạt Nga là 'vô đạo đức'