Số liệu thống kê các ca nhiễm đã tăng vọt khiến các chính phủ châu Âu phải cảnh giác cao độ, đặc biệt là khi những người đi nghỉ trở về nhà tại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ truyền thống tháng 8. Giáo viên và học sinh khắp châu lục cũng chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sau nhiều tháng gián đoạn. Nhưng tất cả các chính phủ châu Âu đều mong muốn tránh áp dụng lại các biện pháp phong tỏa và kiểm soát quyết liệt khác đối với hoạt động đi lại tự do như ở giai đoạn trước.
Nhìn chung, câu chuyện chính trị ở châu Âu đã thay đổi từ quyết tâm làm mọi thứ để giảm số ca nhiễm, hướng tới cách tiếp cận mới đó là cân bằng các biện pháp kiểm soát với nhu cầu phục hồi kinh tế quốc gia.
Tây Ban Nha hiện đang dẫn đầu làn sóng tái nhiễm tại châu Âu. Khoảng 8.000 ca Covid-19 được ghi nhận hàng ngày trong thời gian gần đây, tỷ lệ là hơn 150 ca/100.000 dân. Tỷ lệ lây nhiễm cao thứ hai là ở đảo quốc Malta, nơi ghi nhận 120 ca/100.000 dân, sau đó là Pháp với 60 ca/100.000 dân. Anh và Đức chỉ ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm là 20 ca/100.000 dân. Tuy nhiên, xu hướng lây nhiễm ở cả 2 nước cũng đang dần tăng lên.
Thực tế, các quốc gia như Tây Ban Nha, Malta hay Pháp đang dẫn đầu làn sóng lây nhiễm cũng đều có chung động lực, tất cả đều là những điểm du lịch chính. Ngành du lịch châu Âu, chìa khóa cho nền kinh tế của một số quốc gia dễ bị tổn thương tại châu lục này đã bắt đầu mở cửa hoạt động vào tháng trước, áp dụng tất cả các quy định an toàn.
Các bãi biển xuất hiện hàng loạt biển báo yêu cầu du khách giữ khoảng cách 2m, các khách sạn hủy tiệc buffet và lực lượng cảnh sát đã có mặt để thực thi các biện pháp an toàn. Nhưng trên thực tế, các quán bar và hộp đêm phần lớn đã phớt lờ những quy định này. Các chính phủ dường như cũng không quá bận tâm. Việc tiêu thụ rượu không chỉ tạo ra tỷ suất lợi nhuận lớn cho những nhà khai thác mà còn cùng với ánh nắng mặt trời là nguyên liệu cần thiết cho kỳ nghỉ của nhiều người châu Âu.
Kết quả là sự lây nhiễm phần lớn nằm ở những người trẻ. Điều đó có nghĩa là số ca nhiễm cao hơn nhưng không dẫn tới số người nhập viện do nguy kịch nhiều hơn, số người tử vong vì Covid-19 cũng không tăng đột biến.
>> Xem thêm: Kít xét nghiệm Covid-19 Trung Quốc cho 3.700 kết quả dương tính giả
Các chính phủ châu Âu đã điều chỉnh cách tính các ca tử vong, điều này cũng khiến các con số giảm xuống. Số liệu thống kê tử vong giờ chỉ tính những người chết trong vòng 21 ngày sau khi được chẩn đoán nhiễm virus.
Trở về sau kỳ nghỉ kéo dài 3 tuần, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã khôi phục lại truyền thống phát biểu hàng ngày. "Dữ liệu không tốt. Tình hình thật đáng lo ngại", ông thừa nhận. Thủ tướng nói thêm: "Chúng ta không thể cho phép đại dịch xâm chiếm cuộc sống của chúng ta một lần nữa". Vì vậy, thay vì đóng cửa, chính phủ Tây Ban Nha đã để 19 chính quyền khu vực ra quyết định về y tế. Họ vẫn quyết tâm mở cửa các trường học theo ké hoạch.
Pháp đang áp dụng các biện pháp tương tự là trì hoãn tỷ lệ lây nhiễm thay vì loại bỏ chúng. Trong một bài phát biểu trên truyền hình gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Không có cái gọi là 'xã hội không rủi ro'".
Chính phủ Anh đang tiếp tục duy trì các lệnh cách ly đối với người đến từ một số nước châu Âu.
>> Xem thêm: Covid-19 được tìm thấy trên thịt, hải sản đông lạnh sau nhiều tuần
Nhưng những nơi khác tại châu Âu quyết tâm không trở lại với các Chính sách phong tỏa cũ. Những hạn chế trên toàn quốc từng được áp dụng tại New Zealand giờ không được xem xét áp dụng cho châu Âu nữa.