Theo Science Alert, phân chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực thải ra rất nhiều nitơ oxit, đến nỗi khí này ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần của những nhà nghiên cứu dành nhiều thời gian ở quanh chúng.
Nitơ oxit (N2O) là một hợp chất không màu, không mùi, thường được gọi là "khí cười" và có tác dụng phụ gây hưng phấn cho con người. Nó được sử dụng cho mục đích phẫu thuật hoặc nha khoa lần đầu vào giữa những năm 1880 và tiếp tục được sử dụng cho mục đích an thần cho đến ngày nay. Theo nghiên cứu mới cho thấy, phân của chim cánh cụt chứa một lượng lớn hợp chất này.
Các nhà khoa học phát hiện ra rất khó để nghiên cứu chim cánh cụt ở Nam Cực do "khí cười" mà chúng thải ra. Ảnh: Pixabay
Các nhà khoa học được cử đến Nam Cực để nghiên cứu về loài chim cánh cụt hoàng đế tại môi trường sống tự nhiên của chúng, đó là trên đảo Nam Georgia. Họ đã dành nhiều giờ để quan sát loài vật này và điều bất ngờ xảy đến. "Sau khi quan sát phân chim trong vài giờ, một người trở bị say hoàn toàn. Người này bắt đầu đau đầu, mệt mỏi", Bo Elberling, đồng tác giả nghiên cứu giải thích về tác dụng phụ của việc tiếp xúc.
Hóa ra, nồng độ hóa chất trong phân chim cánh cụt cao là vì chúng ăn nhiều cá và các loài nhuyễn thể. Cả 2 đều có nồng độ nitơ cao. Khi nitơ được thải ra, nó sẽ ngấm vào đất và các vi khuẩn trong đất. Ở đó, nitơ được chuyển hóa thành nitơ oxit.
Ngoài việc khiến các nhà khoa học bị say, nitơ oxit còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trên thực tế, nitơ oxit có thể gây ô nhiễm không khí cao gấp 300 lần so với carbon dioxide.
Nồng độ nitơ do phân chim cánh cụt tạo ra vẫn không bằng với lượng nitơ do hoạt động của con người gây ra. Ảnh: Pixabay
Tuy nhiên, lượng nitơ oxit từ phân chim cánh cụt vẫn không là gì so với lượng khí mà các hoạt động của con người thải ra. Nghiên cứu trước đây cho thấy mức độ nitơ trong không khí tăng nhanh trong những thập kỷ qua do việc sử dụng phân bón nitơ trong nông nghiệp và việc đốt nhiên liệu hóa thạch ngày càng nhiều.
Mặc dù lượng phát thải nitơ tại Mỹ và châu Âu dường như đã ổn định nhưng tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Brazil, hàm lượng vẫn còn rất cao. Những nơi này chưa có các quy định để ngăn phát thải nitơ oxit.