Ngày 22/2, virus corona được phát hiện trong nước tiểu của bệnh nhân của nhóm nghiên cứu dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc dẫn đầu bởi tiến sĩ Chung Nam Sơn, “người hùng chống SARS” của nước này.
Việc phát hiện virus Corona có ở trong nước tiểu cho thấy loại virus này có khả năng tồn tại, di chuyển cùng máu của bệnh nhân đi khắp cơ thể và tấn công nhiều cơ quan khác nhau. Không chỉ gây viêm phổi cấp, virus Corona còn ảnh hưởng đến tim, thận và thậm chí là tinh hoàn của người bệnh.
Trước đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng kết luận này dựa trên nghiên cứu về các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp, trong khi nhiễm virus cũng gây ra rối loạn đường tiêu hóa.
Theo trang Science Alert, tại bệnh viện Vũ Hán, các triệu chứng tiêu chảy và buồn nôn đã được quan sát thấy ở 14 trên 138 bệnh nhân từ một hay hai ngày trước khi họ bị sốt và khó thở. Có dữ liệu về các trường hợp khác cho thấy virus xuất hiện trong phân ở những người có triệu chứng không điển hình ở phần bụng, vốn đặc trưng cho SARS. Vì 2019-nCov và SARS thuộc cùng một họ virus, các nhà khoa học tin rằng việc truyền virus qua phân là có thể.
Mặc dù phương thức lây truyền này có thể là một vấn đề trong việc kiểm soát sự lây lan của virus, nhưng mối nguy của nó chủ yếu đối với các bệnh viện, vì các cơ sở y tế này có thể trở thành “bộ khuếch đại” của bệnh dịch.
Những phát hiện này góp phần làm sáng tỏ con đường lây truyền và phát tán của loại virus chết người.
Theo các chuyên gia y tế Trung Quốc, việc phát hiện virus Corona tồn tại trong nước tiểu và phân của bệnh nhân đã đặt ra mối đe dọa đối với hệ thống thoát nước tại các thành phố, đặc biệt là tại các bệnh viện đang điều trị cho nhiều ca nhiễm virus.
“Nếu chất thải từ người nhiễm virus Corona không được xử lý nhanh chóng và đúng cách, đó có thể là một nguồn lan truyền virus”, ông Yang Zhanqiu, Phó giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện đại học Vũ Hán, cảnh báo.