Thời gian vừa qua, virus corona đang là vấn đề quan tâm của toàn thế giới. Giữa lúc diễn biến dịch bệnh phức tạp thì các chuyên gia trên thế giới đã có nhiều nhận định về loại dịch bệnh này trong đó yếu tố thời tiết được nhận định là yếu tố khiến virus bớt lây lan.
Nhận định trên tờ The Straits Times, giáo sư Paul Tambyah thuộc khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Cluster (Singapore) cho rằng dịch nCoV có thể suy giảm vào mùa nóng như dịch SARS ở Trung Quốc hồi năm 2003.
"Tôi khá tự tin mọi chuyện sẽ lắng xuống vào tháng 6”, ông Tambyah nhận định.
Nhiệt độ cao, môi trường thông thoáng có thể làm suy giảm sức mạnh của virus corona. Ảnh: CNN.
Mặt khác, giáo sư Tambyah còn cho biết thêm một thông tin rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy virus Corona có thể tồn tại gần 100 giờ ở nhiệt độ 6oC nhưng sẽ bị tiêu diệt trong 1-2 giờ ở nhiệt độ 30oC.
“Nhiệt độ cao, độ ẩm cao thì virus sẽ chết đi rất nhanh và ngược lại. Đó là lý do ở trong căn phòng thông thoáng, không có điều hòa có thể giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn trong phòng kín có bật điều hòa”, giáo sư Tambyah nói.
Tuy nhiên, mới đây, TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (thuộc Viện Y tế Quốc Gia, Mỹ), cho biết, vẫn còn quá sớm để kết luận việc virus sẽ suy yếu trong thời tiết ấm hơn như các virus cảm lạnh và cảm cúm thông thường, CBS News cho biết.
Chuyên gia này nhận định: “Chúng ta không biết loại virus đặc biệt này sẽ làm gì tiếp theo. Vì vậy, rất khó để kết luận ngay rằng nó sẽ biến mất khi thời tiết ấm áp hơn. Chúng ta hoàn toàn không có cơ sở cho điều đó”.
TS Nancy Messionnier thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đồng quan điểm khi cho rằng “còn quá sớm để giả định virus corona suy yếu khi trời ấm lên”. Bà nhấn mạnh rằng sự hiểu biết của con người về virus này còn quá ít ỏi, “chúng ta còn chưa trải qua dù một năm với mềm bệnh”.
Đồng quan điểm, Chuyên gia y tế công cộng Gabriel Leung (Lương Trác Vỹ) thuộc Đại học Hồng Kông nhận định dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus Corona (nCoV) có thể sẽ không chấm dứt khi thời tiết ấm lên như đợt dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, cũng do một chủng khác của virus Corona gây ra.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận vẫn chưa rõ nguồn khởi phát của nCoV cũng như cơ chế lây nhiễm. Các nhà nghiên cứu tại nhiều nước đang chạy đua với thời gian để điều chế vắc xin và thuốc điều trị nhằm ngăn chặn dịch bệnh này lây lan