Ở Ai Cập cổ đại, kim tự tháp là lăng mộ đặc trưng nhất dành cho các vị vua của Cổ Vương quốc (niên đại từ năm 2686 đến năm 2181 trước Công nguyên). Xác ướp của các pharaon như Djoser, Khafre và Menkaure được đặt trong một căn phòng chôn cất dưới lòng đất bên dưới một kim tự tháp.
Tuy nhiên, đối với Khufu, xác ướp của ông được đặt bên trong Kim tự tháp vĩ đại, trong phòng của nhà vua chứ không phải dưới lòng đất như thông lệ. Trước khi kim tự tháp được phát minh, các vị vua Ai Cập được an nghỉ trong những căn phòng dưới lòng đất bên dưới mastaba, một gò đất có đỉnh bằng phẳng.
Kim tự tháp Giza là đỉnh cao của việc xây dựng kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại - những kim tự tháp được xây dựng sau đó để đánh dấu nơi an nghỉ của các pharaon cuối cùng cúa Cổ Vương quốc.
Ở thời kỳ của Trung Vương quốc (tồn tại trong thời gian giữa khoảng năm 2050 trước Công nguyên và 1700 trước Công nguyên), những kim tự tháp sẽ được xây nhỏ hơn. Lăng mộ của Mentuhotep II được kết hợp với ngôi đền tang lễ của ông tại Deir el-Bahri, một tập tục không mấy phổ biến. Mặc dù khu phức hợp hiện đã bị hủy hoại nhưng có lẽ nó có một kim tự tháp nhỏ nằm trên sân thượng đôi.
Các vị vua của thời kỳ Tân Vương quốc (kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 16 trước Công nguyên đến thế kỷ 11 trước Công nguyên) được an nghỉ trong những ngôi mộ bằng đá ở Thung lũng các vị vua. Những ngôi mộ này được khoét sâu vào đá của thung lũng, thường không có cấu trúc thiết kế bên ngoài. Sau khi Thung lũng các vị vua bị bỏ hoang vào triều đại thứ 20, các vị vua được chôn cất trong những ngôi mộ đơn giản trong khuôn viên đền chính của thành phố Tanis. Không có ngôi mộ hoàng gia nào sau đó được xác định chôn cất ở Ai Cập.