Phải mất gần 4 tháng để số người tử vong vì Covid-19 đạt mốc 100.000. Khi virus lây lan từ Trung Quốc sang đến châu Âu, số người tử vong đã tăng gấp đôi, lên 200.000 chỉ trong vòng 15 ngày. 100.000 nghìn ca tử vong sau đó mất 20 và 23 ngày tương ứng, mang đến tia hy vọng là những điểm nóng như Tây Ban Nha, Italy, Anh và Pháp có thể đã qua đỉnh dịch.
Mặc dù các nước châu Âu đã bắt đầu mở cửa lại các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, Mỹ Latin, đặc biệt là Brazil đã trở thành tâm dịch mới, theo WHO. Tại Mỹ, quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất với 1,97 ca nhiễm và 111.658 trường hợp tử vong, các con số vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù tốc độ lây nhiễm dường như đang chậm lại. Ngày 5/6, Tổng thống Donald Trump cho biết nền kinh tế đang phục hồi và đất nước phần lớn đã qua đại dịch khủng khiếp này. "Tôi nghĩ chúng ta đang làm rất tốt", ông nói thêm.
Các nước khác như Mexico, Nga và Ấn Độ cũng đang đối mặt hàng nghìn ca nhiễm mới, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, dẫn đến làn sóng thứ 3 sau làn sóng đầu tại Trung Quốc và thứ 2 tại châu Âu, Mỹ.
Tính đến ngày 6/6, toàn thế giới có 400.012 ca tử vong và 6.916.826 ca nhiễm Covid-19. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ tử vong (tỷ lệ người chết so với người nhiễm) ở mức 5,8% tính đến ngày hôm qua, theo dữ liệu của Worldometers.info. Với 246.472 ca nhiễm vào ngày 6/6, Ấn Độ đã vượt Italy và trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 6 thế giới. Tuy nhiên, với 6.873 ca tử vong và tỷ lệ tử vong là 2,8%, con số này tại Ấn Độ vẫn thấp hơn so với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng khác như Mỹ (5,6%), Anh (14,2%) và Italy (14,4%).
Các chuyên gia cho biết số người chết do đại dịch đại diện cho tỷ lệ nhiễm virus tại một khu vực chính xác hơn số ca nhiễm bởi có rất nhiều ca Covid-19 không có triệu chứng và không được báo cáo chính thức. Họ nói thêm rằng tỷ lệ tử vong cuối cùng xác định liêu cơ sở hạ tầng y tế của một quốc gia có sống sót qua khủng hoảng y tế công cộng hay sẽ bị đè nặng.
Vào thời kỳ đỉnh dịch, Covid-19 buộc một nửa nhân loại phải phong tỏa và có nguy cơ đẩy các nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ sau Đại khủng hoảng những năm 1930. Các chính phủ từ châu Phi tới châu Âu, châu Á giờ đang tập trung hồi sinh nền kinh tế theo hướng bình thường sau đại dịch. Tìm cách khôi phục các ngành du lịch quan trọng kịp thời cho mùa hè, Liên minh châu Âu cho biết họ có thể mở lại biên giới cho khách du lịch ngoài khối vào đầu tháng 7, sau khi một số nước trong khối mở cửa lại với du khách châu Âu.
Tuy nhiên, tình hình tại Mỹ Latin vẫn vô cùng ảm đạm. Số ca tử vong tại Brazil đã tăng lên hơn 35.211 ca trong ngày hôm qua, nước này đang có nhiều người chết thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Số ca tử vong cũng đang tăng mạnh tại Mexico, Peru và Ecuador. Tại Chile, số người chết tăng hơn 50% trong tuần qua.
Nga đã báo cáo 8.855 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 6/6, nâng tổng số lên 458.689, theo dữ liệu từ trung tâm phản ứng virus của chính phủ. Số người chết tăng thêm 197, nâng tổng số lên 5.725 người.