Theo một báo cáo từ tổ chức Giám sát rừng Toàn cầu (GFW), mất rừng nguyên sinh nhiệt đới chiếm khoảng 1/3 trong số 11,9 triệu ha cây bao phủ bị mất đi năm ngoái. Rừng nguyên sinh được mô tả là "những khu rừng dày nhất, hoang dã và có ý nghĩa sinh thái nhất" trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với việc lưu trữ carbon cũng như đa dạng sinh học. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là ở Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á.
Báo cáo sử dụng dữ liệu do ĐH Maryland thu thập cho thấy lượng rừng nguyên sinh mất đi năm 2019 cao hơn 2,8% so với năm trước. Các chuyên gia cũng quan ngại rằng đại dịch Covid-19 có thể khiến tỷ lệ phá rừng gia tăng.
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân xóa sổ rừng nguyên sinh của thế giới. Ảnh: ABC
GFW đã theo dõi việc sử dụng đất, sự biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trên toàn cầu thông qua công cụ lập bản đồ và giám sát dữ liệu nguồn mở. Phân tích tập trung vào các khu rừng nguyên sinh. Theo một bài đăng trên trang web của GFW, một khi rừng này bị mất đi thì có thể phải mất hàng thập kỷ, thập chí hàng thiên niên kỷ để phát triển trở lại. "Tỷ lệ mất rừng nguyên sinh vẫn ở mức cao trong 2 thập kỷ qua bất chấp những nỗ lực ngăn phá rừng", báo cáo cho biết.
Năm ngoái, mất rừng nguyên sinh thấp hơn so với thời kỳ đỉnh điểm 2016 và 2017 nhưng tổng thiệt hại tính theo hecta vẫn cao thứ 3 kể từ năm 2000. Theo báo cáo, lượng rừng nguyên sinh mất đi này có liên quan đến lượng khí thải carbon dioxide hàng năm tương đương với 400 triệu ô tô.
Brazil là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất về rừng nguyên sinh với hơn 1,3 triệu ha bị mất năm 2019. Tổng thống Brazil đã bị chỉ trích trên toàn cầu và bị lên án vì để nạn phá rừng xảy ra dưới sự giám sát của mình. Ông cũng bị cáo buộc khuyến khích hoạt động của các chủ trang trại, thợ mỏ và khai thác gỗ bất hợp pháp.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho thấy 3 tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến nạn phá rừng tăng hơn 50% so với năm ngoái. Trong khi đó, xét về tổng thể thiệt hại che phủ cây, Bolivia đã có năm tồi tệ nhất với hơn 80% cây xanh bị mất, nhiều hơn bất cứ một năm nào khác. Nguyên nhân là nước này có những quy định thay đổi để khuyến khích nông nghiệp trong những năm gần đây.
Các vụ cháy rừng lan rộng ở Brazil, Bolivia, Indonesia và Australia đã ảnh hưởng đến tỷ lệ mất cây che phủ năm 2019.