Miss Universe (Hoa hậu Hoàn Vũ) và Miss World (hoa hậu Thế giới) là hai cuộc thi nhan sắc lớn có từ lâu và danh giá nhất hiện nay. Miss Universe ra đời từ năm 1952 do một công ty thời trang ở California (Mỹ) sáng lập. Từ đó tới nay, Miss Universe nhiều lần đổi chủ sở hữu. Hiện chủ sở hữu mới của Miss Universe là tập đoàn JKN do doanh nhân Anne Jakkaphong Jakrajutatip điều hành. JKN đã mua lại Miss Universe từ IMG với giá 20 triệu USD.
Sau khi đổi chủ, Miss Universe cũng gây sốc khi nới lỏng nhiều quy định về cuộc thi như chấp nhận thí sinh đã kết hôn, sinh con cũng như đang mang thai đều có thể tham dự cuộc thi. Đây được cho là thay đổi lớn nhất trong lịch sử 72 năm của Miss Universe.
“Chúng tôi tin rằng phụ nữ nên có quyền tự quyết định cuộc sống của họ và các quyết định cá nhân của mỗi người không nên là rào cản đối với sự thành công của họ", BTC Miss Universe tuyên bố.
Trong lịch sử, cuộc thi Miss Universe chỉ dành cho những phụ nữ độc thân, từ 18 đến 28 tuổi, chưa từng kết hôn hoặc có con.
Việc mua lại diễn ra trong bối cảnh cuộc thi danh giá nhất hành tinh trong những năm gần đây đang giảm dần. Năm 2021, cuộc thi lần thứ 70 được tổ chức tại Israel được phát sóng trên Fox ở Mỹ và thu hút 2,7 triệu người xem. Năm năm trước, Miss Universe thu hút gấp đôi lượng người xem. Các cuộc thi sắc đẹp, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã xuất hiện từ cuối những năm 1800. Vào đầu những năm 1920, cuộc thi Mrs North Carolina State lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Atlantic, New Jersey (Mỹ) đánh dấu hình thức thi hoa hậu sớm nhất mà chúng ta biết ngày nay.
Sau đó, từ cuộc thi này đã phát triển dần để trở thành Miss America. Đến những năm 1960, các cuộc thi đã lan rộng khắp nước Mỹ và cả thế giới.
Tuy nhiên, những cuộc thi sắc đẹp từng bị chính phụ nữ phản đối. Theo The National, Miss World - một cuộc thi nhan sắc danh giá không thua kém Miss Universe. Được tổ chức lần đầu tại London (Anh) vào năm 1951, Miss World bị những người hoạt động nữ quyền phản đối.
Năm 1970, Miss World trở thành trung tâm của một trong những sự kiện nữ quyền kịch tính nhất thế kỷ 20, khi các nhà hoạt động vì nữ quyền xông thẳng vào sân khấu tổ chức cuộc thi ném bom khói để thể hiện sự phản đối và tức giận của họ. Chung kết cuộc thi được truyền hình trực tiếp vào thời điểm đó thu hút hơn 100 triệu người trên khắp thế giới theo dõi. Nhiều người đã hét lên để ủng hộ nữ quyền với khẩu hiệp: "Chung tôi không xấu, chúng tôi cũng không đẹp, chúng tôi đang tức giận". Vụ ồn ào này từng được làm thành phim Misbehavior (2020) do Keira Knightly đóng chính.
Nhiều người cho rằng, chính sự phản ứng của nhóm người ủng hộ nữ quyền đã gây ảnh hưởng tới kết quả cuộc thi. Người chiến thắng không phải thí sinh đến từ Thụy Điển mà là Jennifer Hosten từ Grenada. Jennifer Hosten cũng trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giành được vương miện một cuộ thi nhan sắc. Chia sẻ về trải nghiệm đi thi hoa hậu trên tờ Observer vào năm 2020, Hosten cho biết: "Lúc đó tôi không nhận ra cuộc thi có vấn đề gì bởi khi đó tất cả chúng tôi đều sử dụng tên gọi cuộc thi như một cách để truyền tải thông điệp. Đối với tôi đó là vấn đề về chủng tộc và sự hòa nhập - đối với họ, đó là vấn đề bóc lột phụ nữ".
Sau Miss World 1970, những bước tiến lớn liên quan đến vấn đề chủng tộc, màu da, sự hòa nhập đã có sự cải thiện rõ rệt. Năm 2019, năm cuộc thi lớn là Miss World, Miss Universe, Miss USA, Miss Teen USA và Miss America người chiến thắng đều là phụ nữ da màu.
Không thể phủ nhận, các cuộc thi nhan sắc có nhiều thay đổi tích cực khi đóng góp tiếng nói cho phụ nữ da màu trên toàn thế giới. Hầu hết, những người tham gia và dành được vương miện từ các cuộc thi nhan sắc cũng như các tổ chức đằng sau cuộc thi, đều làm hết sức để nâng cao nhận thức về các vấn đề và nguyên nhân trên toàn thế giới đặc biệt là vấn đề nữ quyền, đồng thời quyên góp hàng tỷ đô la cho các tổ chức Từ thiện và phi lợi nhuận.
Dù vậy, các cuộc thi nhan sắc vẫn bị nhiều người chỉ trích khi có phần thi áo tắm. Năm 2018, nhiều người gây tranh cãi về vấn đề liệu có nên bỏ phần thi bikini - áo tắm khỏi các cuộc thi hoa hậu hay không khi Miss America 2018 bỏ phần thi bikini ra khỏi danh sách. Tại Miss Universe, mặc dù các thí sinh không bắt buộc phải mặc bikini ví dụ người đẹp Bahrain mặc burkini (một loại quần áo bơi dành cho phụ nữ theo đạo Hồi) trong phần thi này.
Ngoài vấn đề nên bỏ hay không phần thi bikini, tiêu chuẩn hình thể của các thí sinh cũng là điều được quan tâm hàng đầu trong các cuộc thi nhan sắc ngày nay. Miss Universe 2021 - Harnaaz Sandhu là một ví dụ điển hình. Sandhu trở thành thí sinh Ấn Độ thứ ba giành chiến thắng tại cuộc thi sắc đẹp danh giá này. Trong thời gian đương nhiệm, Harnaaz Sandhu luôn làm tròn trách nhiệm của một hoa hậu. Đặc biệt, cô còn đẩy mạnh nhận thức về bình đẳng giới, đến thăm 25 thành phố ở 9 quốc gia và có hàng chục bài phát biểu về chủ đề này. Vào tháng 12, Sandhu đã thành lập một liên minh vì công bằng bình đẳng giới bao gồm 11 tổ chức phi lợi nhuận, nhằm mục đích tiếp cận 5 triệu phụ nữ tại 200 địa điểm vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Harnaaz Sandhu cũng lên tiếng phản đối những kẻ bạo lực mạng, body shaming cơ thể của cô. Trong thời gian đương nhiệm, Harnaaz Sandhu gây tranh cãi khi liên tục xuất hiện với hình ảnh tăng cân lên xuống thất thường. Thậm chí, khi tham gia một buổi trình diễn thời trang, người đẹp bị nhiều người chê béo, có thân hình quá khổ. Sandhu cho biết, bản thân cô mắc bệnh celiac, căn bệnh này ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của người bệnh, nghĩa là họ phải tránh những thực phẩm có chứa gluten, chẳng hạn như bánh mì.
"Tôi là một trong những người đầu tiên bị chế giễu, chê bai, cười nhạo vì tăng cân mất kiểm soát. Các bạn thấy đấy, dù bị nói ra sao thì tôi là một trong những cô gái dũng cảm và tự tin, dù tôi béo hay gầy thì đó vẫn là cơ thể của tôi, tôi yêu bản thân mình”, Miss Universe 2021 tuyên bố.
Vụ việc Harnaaz Sandhu bị bạo lực mạng cũng khiến cựu Miss Universe 2018 - Catriona Gray lên tiếng ủng hộ Sandhu. “Tôi nghĩ thật đáng tiếc khi công chúng vẫn kéo phụ nữ xuống bằng cách như vậy sao? Chúng tôi tích cực vận động rằng việc một hoa hậu nào đó hay Miss Universe sẽ làm nhiều hơn chỉ ở việc xây dựng hình ảnh.
Cô ấy sẽ không bị giới hạn chỉ vì vóc dáng của mình. Cô ấy là người phát ngôn, công việc chính là vậy. Cô ấy đang rất nỗ lực trong vai trò Miss Universe. Tôi nghĩ cô ấy xứng đáng được tôn vinh và ủng hộ.
Thông điệp chúng tôi gửi đến những cô gái hay thế hệ trẻ trước truyền thông hay trên mạng xã hội rằng, khi họ đọc những bình luận đó rồi sẽ tự so sánh với bản thân thì sao. Chuyện đó không có gì hay ho cả. Vậy nên đừng dùng những từ ngữ xúc phạm nữa. Chúng ta nên tôn vinh phụ nữ vì những gì họ cống hiến. Tiếng nói và những gì họ làm, đó mới là Miss Universe".
Ngoài những mối bận tâm về vóc dáng của thí sinh tham gia Miss Universe, nhiều quốc gia cũng không còn mặn mà với cuộc thi đình đám này. Vào tháng 11/2022, ần đầu tiên sau bảy thập kỷ, Israel quyết định không cử đại diện tham dự Miss Universe, chỉ một năm sau khi quốc gia này đăng cai tổ chức cuộc thi Miss Universe 2021. Đây được cho là kết quả của hai quan điểm tại Israel về việc liệu các cuộc thi sắc đẹp có còn phù hợp hay không.
Sau quyết định này, Hoa hậu Israel 2003 Sivan Klein đã mô tả các cuộc thi sắc đẹp hiện nay là "nông cạn" trong một lần livestream. “Nữ hoàng Elizabeth đã qua đời và giờ đây cuộc thi nữ hoàng sắc đẹp đã bị chôn vùi. BTC đặt ra những câu hỏi 'thông minh' về những người phụ nữ thông minh khi mặc trên người một bộ bikini. Sau đó vương miện được đội lên đầu họ chẳng khác nào như trần nhà", Sivan Klein nói.
Luật sư kiêm diễn viên Linor Abargil, người đăng quang Hoa hậu Israel năm 1998, cũng lên tiếng phản đối cuộc thi sắc đẹp: "Thân thể hay khuôn mặt của phụ nữ, không ai trên thế giới có quyền chỉ trích hay đánh giá cân nặng của chúng tôi để xem nó có phù hợp với những gì đang diễn ra trong các cuộc thi sắc đẹp hay không! Mọi người thay đổi, thế giới thay đổi. Phụ nữ chỉ tồn tại vì họ chứ không phải vì bất cứ điều gì khác".
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tiêu cực, nhiều người vẫn khẳng định các cuộc thi nhan sắc đem lại nhiều giá trị tốt đẹp. Melisa Raouf - người gây chú ý khắp thế giới vào năm 2022 khi trở thành thí sinh đầu tiên trong lịch sử 94 năm của Hoa hậu Anh (Miss England) tham gia cuộc thi mà không trang điểm. Raouf nói với The National rằng, việc các thí sinh cạnh tranh với nhau tại một cuộc thi đơn giản là giúp họ được trao quyền để làm điều gì đó có ích cho cộng đồng.
“Việc tham gia một cuộc thi chắc chắn đã tác động đến cuộc sống của tôi theo hướng tích cực. Tôi đã trở nên rất tự tin và tôi đã học được cách yêu bản thân mình. Các cuộc thi sắc đẹp không còn là nơi để người khác trông thấy bạn 'xinh đẹp' hay 'hấp dẫn' nữa mà là để được là chính mình và tự hào về bản thân. Tôi nhận được nhiều phản hồi ngạc nhiên của cư dân mạng. Thực tế là rất nhiều cô gái trẻ và phụ nữ cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh từ những gì tôi đã làm, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Đó chắc chắn là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời mà tôi sẽ luôn trân trọng", chân dài giành giải Người có mặt mộc đẹp nhất Miss England 2022 nói.