Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông không thấy nỗ lực của Moscow trong việc thay đổi quan điểm về Ukraine trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trả lời phỏng vấn tảng T-online của Đức, khi được hỏi có thấy bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm của Nga về vấn đề Ukraine hay không, ông Scholz nói: "Không!". Thủ tướng Đức cho biết thêm Moscow đã "không đạt được bất kỳ mục tiêu nào được đề cập ở phần đầu" của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Hơn nữa, "NATO đã không rời đi, mà thậm chí còn tăng cường lực lượng của mình ở sườn phía đông", ông nói và cho biết thêm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi Phần Lan và Thụy Điển tham gia.
Thủ tướng Đức cũng lưu ý rằng các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga đã diễn ra cởi mở. Ông Scholz tin rằng một hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Moscow và Kiev là khả năng duy nhất để loại bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. “Nga nên hiểu rằng tại một thời điểm nào đó, khả năng duy nhất có thể dẫn tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là ký kết một thỏa thuận với Ukraine và đây không thể là một nền hòa bình áp đặt”, ông nói.
Thủ tướng Đức cũng thúc giục Nga một lần nữa rút quân khỏi Ukraine. "Về phần còn lại có một nguyên tắc rõ ràng: Ukraine giải quyết những vấn đề đó. Chúng tôi không thể tổ chức các cuộc đàm phán thay họ bằng cách này hay cách khác", ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính phủ Đức nêu rõ tác động của các biện pháp trừng phạt. “Hệ quả là nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi tiềm năng phát triển còn rất hạn chế", ông Scholz nói.
Phát biểu về vấn đề cung cấp thêm vũ khí cho Kiev và thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, Thủ tướng đảm bảo rằng Đức và các đối tác sẽ tiếp tục làm điều đó. Ông nói: “Đúng vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục, liên quan đến các lệnh trừng phạt, vì mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng nỗ lực xâm lược của Nga sẽ thất bại”.
Scholz và Putin đã thảo luận về tình hình ở Ukraine trong một cuộc điện đàm hôm 13/5. Dịch vụ báo chí của Điện Kremlin cho biết cuộc thảo luận được tổ chức theo sáng kiến của phía Đức. Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận trong các cuộc tiếp xúc qua nhiều kênh khác nhau. Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức đã có nhiều cuộc điện đàm kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, mỗi lần họ đều dành chú ý cho vấn đề này.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt để đáp lại yêu cầu của người đứng đầu các nước cộng hòa Donbass. Sau đó, Mỹ, EU, Anh, cũng như một số nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân Nga.
(Theo TASS)
>> Xem thêm: Trừng phạt Nga nhưng 10 nước châu Âu lại âm thầm 'chiều ý' Putin