Ngày 5/6, thông tin hoa hậu Việt Nam 1994 - Nguyễn Thu Thủy qua đời vì đột quỵ, hưởng dương 45 tuổi khiến công chúng bàng hoàng. Theo chia sẻ từ gia đình, Thu Thủy ra đi vào rạng sáng cùng ngày.
Lễ viếng Thu Thủy sẽ diễn ra lúc 10h45 ngày 8/6, tại nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11h45 cùng ngày.
Hiện, nguyên nhân Hoa hậu Thu Thủy qua đời chưa được làm rõ. Thế nhưng đã dấy lên nghi vấn nàng hậu ra đi đột ngột là do tập thể dục quá sức, cụ thể là cô đã chạy bộ vào tối muộn.
Nghi vấn này dấy lên bởi Hoa hậu Thu Thủy thường xuyên có những hoạt động chạy bộ đường dài được cô chia sẻ trên trang cá nhân. Cùng với đó, vào tối ngày 4/6, 1 người bạn đã đăng status chia sẻ thành tích chạy bộ 5 km và tag Hoa hậu Nguyễn Thu Thuỷ vào với nội dung: "Cán mốc 5km nhờ sự động viên và khích lệ của Hoa hậu Nguyễn Thu Thuỷ".
Sinh năm 1976 tại Hà Nội, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đăng quang Hoa hậu Việt Nam 1994 năm cô tuổi 18. Lúc sinh thời cô là VĐV chạy bộ nghiệp dư có tiếng.
Nhiều VĐV chạy bộ bày tỏ sự tiếc thương tới hoa hậu Việt Nam năm 1994. Các bài đăng trong cộng đồng chạy bộ (R4s) về tin tức của hoa hậu Thuy Thủy đều thu hút lượng tương tác lớn.
VĐV Nguyễn Tiến Hùng, nhà vô địch VMM 2019, và từng dự SEA Games 2019 ở nội dung 3 môn phối hợp chạy, bơi, đạp xe, cho biết: "Tất cả đều sốc với sự thật này. Mình chỉ biết qua báo nguyên nhân sự ra đi đường đột của chị. Xin chia buồn cùng gia đình chị Thuỷ. Chị là một người truyền cảm hứng, năng động tập thể thao".
Chia sẻ về nguy cơ bị đột quỵ khi tập chạy bộ từ sáng sớm, VĐV Nông Văn Chuyền, người khởi xướng, tham gia và hoàn thành cuộc chạy bộ xuyên Việt Nam kéo dài 2.400km trong 11 ngày vào tháng 6/2020 nhận định: "Gần đây có thay đổi về thời gian chạy do dịch Covid-19, nên mọi người hay chạy trái giờ sinh học. Mùa dịch năm ngoái, mình có chạy theo khung giờ này và bị suy nhược cơ thể do phải dậy sớm".
Theo anh Chuyền, việc đeo khẩu trang khi chạy bộ cũng khiến quá trình hô hấp bị ảnh hưởng. Để tránh thì mọi người nên tập giảm cường độ trong điều kiện sinh học mới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bạn cần có giấc ngủ dài 7-8 tiếng vào đêm trước ngày bắt đầu chạy. Do điều chỉnh giờ sinh học, người chạy chưa quen sẽ thức dậy trong tình trạng ngái ngủ. Nên dành vài phút để tỉnh táo rồi mới tập luyện.
Sau 7-8 tiếng ngủ, cơ thể bạn sẽ bị mất nước một phần. Các chuyên gia khuyên nên bù lại 6-8 ly nước trước khi chạy, có thể mang theo đồ uống thể thao giàu chất điện giải uống dọc đường. Đặc biệt, bạn nên tìm nơi chạy có chỗ đi vệ sinh để không phải quay về nhà sớm.