Nhận xét trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh thúc giục các quốc gia phương Tây cung cấp "vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay" cho Ukraine, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ của Moldova và Georgia.
Trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 28/4, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói "chính xu hướng bơm vũ khí, bao gồm những vũ khí hạng nặng cho Ukraine và các nước khác là thứ đe dọa an ninh và gây bất ổn cho châu lục này".
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng có bài phát biểu quan trọng vào ngày 27/4. Bà phản đối quan điểm cho rằng "chúng ta không nên cung cấp vũ khí hạng nặng vì sợ kích động điều gì đó tệ hơn", nhấn mạnh rằng "không hành động sẽ là hành động khiêu khích lớn nhất" trong tình hình hiện tại.
Bà Truss tuyên bố "kiến trúc được thiết kế để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng đã khiến Ukraine thất bại". "Cấu trúc kinh tế và an ninh được phát triển sau Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh" đã "bị bẻ cong". Bà cho rằng cần có "cách tiếp cận mới" để "kết hợp giữa an ninh cứng và an ninh kinh tế", góp phần tạo ra "những liên minh toàn cầu mạnh mẽ hơn". Ngoại trưởng Anh kêu gọi "các nước tự do" hãy "quyết đoán và tự tin hơn", xây dựng chiến lược của họ tên cơ sở giả định "địa chính trị đã trở lại".
Bà Truss cũng tuyên bố "cuộc chiến tại Ukraine là cuộc chiến của chúng ta", chiến thắng của Kiev là "mệnh lệnh chiến lược" cho Anh và các đồng minh. Bà tiếp tục kêu gọi cung cấp "vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay" cho Ukraine.
Ngoài ra, phương Tây "phải đảm bảo cho Ukraine, các nước Tây Balkan và các quốc gia như Moldova, Georgia có khả năng phục hồi và duy trì chủ quyền, tự do của họ", bà Truss nhấn mạnh.
Theo Ngoại trưởng Anh, NATO nên hợp nhất Phần Lan và Thụy Điển càng sớm càng tốt nếu 2 quốc gia Bắc Âu đã chọn gia nhập khối quân sự này. Trước đó, bà Truss đã mô tả Anh là một kẻ "chấp nhận rủi ro", "luôn đứng trước những kẻ bắt nạt" và "sẵn sàng can đảm".
Phản ứng của điện Kremlin đối với những nhận xét trên được đưa ra sau khi Moscow liên tục lên án việc NATO chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Nga khẳng định những lô hàng viện trợ này chỉ cản trở triển vọng hòa bình tại quốc gia này. Điện Kremlin cũng nói rõ rằng bất hoạt động chuyển giao khí tài quân sự nào cũng bị coi là mục tiêu hợp pháp khi chúng vào đến Ukraine.
"Về cơ bản, NATO sẽ gây chiến với Nga qua một bên ủy nhiệm và trang bị cho bên ủy nhiệm đó. Chiến tranh nghĩa là chiến tranh", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.
Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 sau khi Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk ký năm 2014 và Moscow công nhận 2 nước cộng hòa Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận do Đức, Pháp làm trung gian, được thiết kế để trao cho các khu vực ly khai này tình trạng đặc biệt tại Ukraine.
Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là quốc gia trung lập, không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố họ lên kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.
(Theo RT)
>> Xem thêm: Ukraine hé lộ thời điểm phản công, cho Nga nếm mùi 'cỗ máy xay thịt phương Tây'