Trong hàng ngàn năm, nhiều nền văn hóa khác nhau đã có những hình tượng tượng trưng cho cái chết. Một trong những hình ảnh phổ biến và trường tồn nhất trong số này là Thần chết.
Ở các nước phương tây, Thần chết thường được miêu tả là một bộ xương, mặc một chiếc áo choàng có mũ trùm đầu màu tối và mang theo một lưỡi hái để “thu hoạch” linh hồn con người. Nhưng tại sao và từ khi nào hình ảnh này lại gắn liền với cái chết?
Tử thần dường như đã xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 14. Trong thời gian này, Châu Âu đang phải đối mặt với đại dịch tồi tệ nhất thế giới lúc bấy giờ - "Cái chết đen" - kết quả của căn bệnh dịch hạch. Người ta ước tính rằng khoảng một phần ba toàn bộ dân số Châu Âu đã thiệt mạng do đại dịch, một số khu vực trên lục địa này chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với những khu vực khác.
Đợt bùng phát ban đầu của bệnh dịch hạch xảy ra vào năm 1347-51, và các đợt bùng phát sau đó lại tái diễn nhiều lần. Vì vậy, rõ ràng, cái chết là điều mà những người châu Âu còn sống sót đã nghĩ đến trong đầu họ, và không có gì ngạc nhiên khi họ gợi lên một hình ảnh để đại diện cho nó.
Nhưng tại sao lại là hình bộ xương? Tại sao lại là lưỡi hái? Tại sao lại là áo choàng?
Bộ xương là biểu tượng của cái chết, tượng trưng cho cơ thể con người sau khi đã phân hủy. Chiếc áo choàng được cho là gợi nhớ đến chiếc áo choàng mà các nhân vật tôn giáo thời đó mặc khi tiến hành các nghi lễ tang lễ. Lưỡi hái là một hình ảnh thích hợp được lấy từ các hoạt động nông nghiệp thời đó: những người thu hoạch sử dụng lưỡi hái để gặt hoặc thu hoạch những cây trồng đã sẵn sàng để nhổ khỏi mặt đất… Từ đó, người ta liên tưởng đến loài người khi chết đi cũng sẽ bị "hái" khỏi trái đất. Đó là lý do hình ảnh Thần chết trở thành một biểu tượng quen thuộc cho đến ngày nay.