Mô tả động thái này là "tăng cường Chính sách của Mỹ", Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định "các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông cũng như các chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng hoàn toàn bất hợp pháp".
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế", ông Pompeo nói trong một tuyên bố dài.
Động thái này "khá quan trọng", theo Gregory Poling, một thành viên cấp cao và là giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho biết. "Về cơ bản, những gì Mỹ nói chính là chúng tôi sẽ giữ thái độ trung lập trước câu hỏi ai sở hữu những đảo và đá tại Biển Đông, nhưng chúng tôi sẽ không còn giữ im lặng trước những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này", ông Poling giải thích. Chuyên gia này nói thêm trong quá khứ, Mỹ đã "cảnh giác" về vấn đề này. Theo ông, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo ngày hôm qua là "một cú đánh lớn về mặt ngoại giao". "Nó để cho Mỹ gọi các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, không chỉ gây bất ổn hay vô ích mà còn nói đây là bất hợp pháp. Điều này giúp các đối tác như Việt Nam và Philippines. Và nó sẽ gây áp lực lên các nước khác, chẳng hạn như châu Âu, để họ ra khỏi hàng rào và tự lên tiếng".
Trong tuyên bố ngày hôm qua, Ngoại trưởng Pompeo cho biết "Như Mỹ đã khẳng định trước đó, và như được quy định cụ thể trong UNCLOS 1982, quyết định của tòa trọng tài là quyết định cuối cùng và ràng buộc về pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay chúng tôi điều chỉnh lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông với quyết định của Tòa trọng tài".
Ông Pompeo cũng nhắm tới những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập yêu sách hàng hải bên trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước khác. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng Trung Quốc "không thể xác nhận một cách hợp pháp yêu sách hàng hải từ bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa". Ông cũng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây của Việt Nam. Trung Quốc cũng "không có yêu sách về lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp với bãi ngầm James, một bãi ngầm chỉ cách Malaysia 50 hải lý nhưng cách bờ biển Trung Quốc đến 1.000 hải lý".
Ngoài ra, Mỹ "bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển ở EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia)".
"Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối sự phát triển hydrocarbon (dầu mỏ) hay đánh cá tại vùng biển đó, hoặc thực hiện những hành động ấy một cách đơn phương thì đều bất hợp pháp", ông Pompeo nói.