Theo Reuters, đó là một buổi lễ tại một nhà thờ ở vùng Mulhouse, Pháp, bắt đầu vào ngày 18/2 và kéo dài trong suốt 1 tuần lễ. Tại đây, hàng trăm người từ Pháp và khắp nơi trên thế giới đã tề tựu về Mulhouse, thành phố với 100.000 dân nằm ở biên giới giữa Pháp - Đức - Thụy Sỹ.
Với nhiều tín đồ Công giáo, đây là cao điểm ngày lễ hàng năm tại nhà thờ này. Nhưng họ không hề biết rằng cũng chính tại đây, mầm mống dịch bệnh đã theo họ đi rải rác ra khắp châu Âu vì có một người đang mang virus corona chủng mới.
Buổi cầu nguyện cứ thế diễn ra như thường lệ và cũng trở thành nơi khởi phát dịch Covid-19 tại Pháp, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Bắc Âu cho đến nay.
Những tín đồ này đã vô tình mang virus SARS- CoV-2 tới tận bang Burkina Faso của Tây Phi, đến đảo Corsica ở Địa Trung Hải, đến Guyana ở Mỹ Latinh, tới Thụy Sĩ, đến một nhà máy điện hạt nhân của Pháp và vào các phân xưởng của một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu.
Và chỉ vài tuần sau đó, Đức đóng cửa một phần biên giới với Pháp, tạm hoãn hiệp ước đi lại tự do tồn tại hơn 25 năm qua. Pháp, giống như các chính phủ khác ở Bắc u, đã không áp đặt các hạn chế đối với các cuộc tụ tập đông người. Các cuộc tụ tập này không hề có thuốc sát khuẩn.
Các quan chức nhà thờ thì cho biết, 17 thành viên của họ đã chết vì các biến chứng liên quan đến Covid-19. Con trai của mục sư và cháu nội của người sáng lập nhà thờ cho biết: "Lúc đó, chúng tôi thấy Covid-19 là một cái gì đó rất xa vời".
Chỉ một ngày sau khi trường hợp Covid-19 đầu tiên liên quan đến nhà thờ được xác định vào ngày 29/2, các quan chức y tế công cộng đã tuân theo quy trình thông thường và truy tìm những người đã tiếp xúc với họ, để ngăn chặn sự lây lan.
Nhưng lúc này, Thanh tra y tế cũng nhận ra việc kiểm soát lúc này đã vượt khỏi tầm tay. Michel Vernay, một nhà dịch tễ học của cơ quan y tế công cộng quốc gia Pháp cay đắng thừa nhận: "Một quả bom hẹn giờ trước mắt chúng tôi mà không biết".
Nguyên nhân nguồn bệnh được cho là từ một người phụ nữ. Người mẹ bị ốm phải nằm nhà, nhưng ông ngoại đã đưa hai đứa trẻ đến nhà thờ. Hai đứa trẻ này và người mẹ về sau đã xét nghiệm dương tính với virus SARS- CoV-2.
Việc phát hiện người phụ nữ và hai người con của bà bị nhiễm Covid-19 đã được đưa lên Facebook khiến cho nhiều người tham dự các buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ ở Milhouse lập tức liên hệ với bác sĩ.
Virus SARS- CoV-2 đã bắt đầu lan ra khắp gia đình của người sáng lập nhà thờ và cả những người có mặt tại đây.
Ngày 3/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 91 ca nhiễm Covid-19 tại Pháp, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 191. Nhưng vào ngày 11/3, số ca nhiễm Covid-19 của Pháp đã nhảy vọt lên 1.774 ca, trong đó có 33 người tử vong.
Ngày 20/3, Pháp đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19. Khoảng 1/4 trong số này là người dân ở miền đông nước Pháp, trong đó có Mulhouse.
Do số ca nguy kịch quá nhiều mà số giường bệnh không đủ, một số bệnh nhân đã phải dùng trực thăng bay sang Thụy Sỹ, Đức và Luxembourg chữa bệnh. Quân đội Pháp đã phải thành lập một bệnh viện dã chiến bên trong các lều bạt khung kim loại.
Hiện tại, tổng số ca tử vong vì covid-19 tại Pháp đã tăng lên 3.024 người vào ngày 30/3 sau khi có thêm 418 người chết. Theo Hãng thông tấn AFP, Pháp đã trở thành quốc gia thứ tư có số người chết vì Covid-19 vượt mốc 3.000 người, sau Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý.
Nhà chức trách Pháp thừa nhận chỉ tính số người chết trong bệnh viện nên cảnh báo số liệu tử vong có thể sẽ cao hơn trong thời gian tới khi bắt đầu kiểm đếm các ca tử vong trong nhà dưỡng lão. Hiện có 5.107 bệnh nhân trong tình trạng nặng cần hỗ trợ duy trì sự sống ở Pháp.