"Ngay lúc này những chiếc khẩu trang đã được đưa ra bán tại siêu thị và sẽ bắt buộc phải đeo chúng khi đi siêu thị", thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói. Mục đích trong trung hạn là để người dân Áo đeo khẩu trang thường xuyên hơn, ông nói thêm.
Hiểu rõ được các tập quán ở châu Âu, Thủ tướng Kurz cho biết: "Tôi nhận thức đầy đủ rằng khẩu trang là thứ xa lạ với văn hóa của chúng ta. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh lớn".
Thủ tướng Áo đã ra lệnh toàn dân đeo khẩu trang ở siêu thị. Ảnh: Reuters
Đối với các chuyên gia y tế ở Đông Á, những người mà nhiều tháng qua đã khuyến khích công chúng đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19, động thái của Áo đã trở thành minh chứng muộn màng cho cuộc tranh cãi Đông - Tây thời gian qua. Việc đeo khẩu trang giúp làm giảm sự lây lan của virus corona đã gây chia rẽ 2 nền văn hóa khi đại dịch diễn ra.
Trong khi tỷ lệ lây nhiễm tại những nơi đeo khẩu trang nhưng thiếu các biện pháp quyết liệt (chẳng hạn phong tỏa) như Hong Kong, Nhật Bản ở mức thấp, các nước châu Âu vẫn còn xem xét liệu có nên bắt buộc đeo khẩu trang để kiểm soát dịch hay không.
Khẩu trang được phân phối ở Áo không phải khẩu tảng y tế và nhằm mục đích ngăn người đeo lây bệnh cho người khác thông qua ho hay hắt hơi, ông Kurz cho biết. "Hiện tại số ca nhiễm quá cao".
Theo dữ liệu từ ĐH Johns Hopkins, Áo hiện có 9.377 ca nhiễm, đứng thứ 9 trong số các nước châu Âu và 108 ca tử vong vì Covid-19.
Chỉ vài giờ sau thông báo của Thủ tướng Kurz, Đức với 57.298 ca nhiễm và 455 ca tử vong cũng ra dấu hiệu có động thái tương tự. Người phát ngôn Bộ Y tế Đức Hanno Kautz nói rằng đeo khẩu trang ở nơi công cộng có thể đóng vai trò khi Đức bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đang được áp dụng. Những khẩu trang như vậy có thể giúp bảo vệ người khác không bị lây bệnh từ người đeo.
Virus corona lây truyền thông qua những giọt hô hấp và tiếp xúc gần. Những giọt hô hấp đóng vai trò rất quan trọng, bạn phải đeo khẩu trang vì khi bạn nói, luôn có những giọt bắn ra từ miệng!