Theo ước tính mới nhất của các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Columbia, hơn 35.000 người sẽ được cứu sống nếu Mỹ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội sớm hơn một tuần so với thực tế là vào giữa tháng 3. Họ cho biết các mô phỏng dựa trên một số mô hình cho thấy 61% các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ, tính đến 3/5 (hơn 700.000 ca) và 55% trong số 65.000 trường hợp tử vong có thể được ngăn chặn nếu giãn cách xã hội và các biện pháp an toàn khác được thực thi một tuần trước đó.
Những mô phỏng này cho thấy sự nguy hiểm của việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa quá sớm, điều mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo. Tất cả 50 bang của Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại, ở những mức độ khác nhau với sự khuyến khích từ Tổng thống Donald Trump. Điều này nhằm hồi sinh nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.
"Những nỗ lực để nâng cao nhận thức cộng đồng về khả năng lây truyền cao và khả năng bùng dịch Covid-19 vẫn cần thiết vào thời điểm này", các nhà nghiên cứu viết.
10 ngày trước, nhà làm phim tài liệu New York Eugene Jarecki đã dựng một biển quảng cáo ở Quảng trường Thời đại và ông gọi đó là "Đồng hồ tử thần Trump". Nó đếm số người chết mà theo Jarecki nước Mỹ sẽ tránh được nếu ông Trump khuyến khích thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 9/3 thay vì 16/3. Con số của ông cao hơn so với các nhà nghiên cứu ở Columbia vì Jarecki lập luận rằng 60% số ca tử vong tại Mỹ có thể đã được ngăn chặn bằng cách hành động sớm 1 tuần.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 93.000 người tử vong, theo số liệu từ ĐH Johns Hopkins. Hôm qua, Tổng thống Trump đã đăng tweet cho biết ông đã ra lệnh treo cờ rủ trong 3 ngày để tưởng nhớ những người Mỹ đã chết vì virus corona.
Trên toàn thế giới, số ca Covid-19 đã vượt 5 triệu và số ca tử vong vượt 330.000.
Dưới đây là những tin tức chính về đại dịch Covid-19 trên toàn cầu:
Mỹ đảm bảo 300 triệu liều vắc xin Oxford
Mỹ đã chi 1,2 tỷ USD cho nhà sản xuất thuốc của Anh AstraZeneca để họ phát triển và đảm bảo 300 triệu liều vắc xin cho Washington.
Loại vắc xin này trước đây gọi là ChAdOx1 nCoV-19 và giờ là AZD1222 do ĐH Oxford phát triển và được cấp phép cho AstraZeneca. Khả năng miễn dịch với virus corona mới còn chưa chắc chắn nên việc sử dụng vắc xin vẫn chưa rõ ràng.
Trump đeo khẩu trang nhưng từ chối chụp ảnh
Tổng thống Donald Trump ngày hôm qua đã vượt qua ác cảm để đeo khẩu trang ngừa Covid-19, tuy nhiên, ông không muốn bị chụp ảnh.
Trong chuyến tham quan nhà máy ô tô của Ford tại Ypsilanti, Michigan, nơi các công nhân chuyển sang chế tạo mặt nạ phòng độc và các thiết bị y tế khác cho cuộc chiến chống Covid-19, Trump đã đeo khẩu trang và tuyên bố có che mặt trước đó. Tuy nhiên, Trump không muốn việc mình đeo khẩu trang là trò đùa cho báo chí nên ông từ chối chụp ảnh.
Indonesia nới lỏng hạn chế
Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị để Jakarta là tỉnh đầu tiên nới lỏng các hạn chế quy mô lớn. Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết việc kiểm soát dịch Covid-19 tại Jakarta đã đủ tốt và dữ liệu thống kê cho thấy các ca nhiễm mới tại đây đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh xu hướng này phải kéo dài 2 tuần để đáp ứng tiêu chí của WHO khi nới lỏng các hạn chế.
Campuchia ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên sau gần 40 ngày
Campuchia đã ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên sau hơn 1 tháng. Bệnh nhân là một người Campuchia trở về từ Philippines và có đi qua Hàn Quốc. Kể từ tháng 1, Campuchia đã báo cáo 123 ca dương tính với Covid-19. Ca nhiễm mới là trường hợp đầu tiên được xác nhận kể từ ngày 12/4 và ca nhiễm còn virus hoạt động duy nhất tại nước này.
LHQ đưa ra sáng kiến giải quyết thông tin sai lệch
Để giải quyết thông tin sai lệch về virus corona, LHQ đã đưa ra sáng kiến là truyền bá thông tin chính xác, đáng tin cậy bằng một mạng lưới tình nguyện viên. Sáng kiến được đặt tên là "Đã xác minh", khuyến khích mọi người trên khắp thế giới trở thành "những tình nguyện viên thông tin" để chia sẻ những nội dung đã xác minh lên mạng xã hội.
Hơn 20.000 người chết vì Covid-19 tại Brazil
Số người chết vì virus corona tại Brazil đã vượt 20.000 vào ngày 21/5 sau khi nước này ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong 24 giờ. Brazil hiện là tâm dịch tại Mỹ Lain với hơn 310.000 ca nhiễm và 20.047 người chết.
Cape Town thành tâm dịch của Nam Phi
Cape Town đã trở thành tâm dịch Covid-19 ở Nam Phi và là một trong những điểm nóng của châu Phi. Điểm du lịch nổi tiếng tại cực nam châu Phi đã ghi nhận hơn 12.000 ca Covid-19 tính đến ngày 21/5, chiếm 63% trong số 19.000 trường hợp tại Nam Phi và khoảng 10% trong số 95.000 ca ở châu Phi.
CDC châu Âu cảnh báo làn sóng thứ hai
Andrea Ammon, giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu đã cảnh báo về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai khi các nước tại lục địa này đang nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa. Châu Âu đã chứng kiến hơn 170.000 người chết trong đại dịch toàn cầu, chủ yếu là ở Anh, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.