Tin mới

'Vũ Hán thứ 2' nằm sát biên, Triều Tiên vẫn 'miễn nhiễm' với Covid-19

Thứ năm, 21/05/2020, 17:10 (GMT+7)

Khi Trung Quốc phong tỏa chặt thành phố Thư Lan vì Covid-19, Triều Tiên ngay cạnh vẫn tuyên bố không có ca nhiễm nào.

Các nhà chức trách thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch để ngăn virus corona lây lan sau khi một cụm nhiễm mới được phát hiện hồi đầu tháng này. Ngày 18/5, các quan chức chính quyền thành phố tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp để hạn chế đến mức tối đa sự đi lại trong thành phố. Điều này gợi nhớ lại lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày tại Vũ Hán vào tháng trước.

Tình hình được cải thiện trên toàn quốc và một số khu vực tại Trung Quốc đã bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã nới phong tỏa một cách thận trọng khi mầm bệnh xuất hiện ở những nơi khác. Các giao thức ngăn chặn đã được áp dụng tại các khu vực khác của tỉnh Cát Lâm với 27 triệu dân.

Nhưng, khi Trung Quốc chạy đua để ngăn chặn sự bùng phát đáng sợ tại Thư Lan, các quan chức Triều Tiên vẫn báo cáo virus đã bị ngăn chặn ngay bên kia biên giới. Báo cáo tình hình mới nhất do WHO công bố hôm 19/5 cho biết Triều Tiên không có ca Covid-19 nào.

Triều Tiên nằm trong nhóm khoảng một chục nước trên thế giới đến nay không có bất cứ ca nhiễm nào. Trong khi đó, đã có hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 320.000 người tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới. Ngoài Triều Tiên còn có Turkmenistan và những nước là quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương là chưa ghi nhận người nhiễm.

Bình Nhưỡng là nơi đầu tiên đưa ra các lệnh cấm đi lại, đóng cửa biên giới và những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khác khi có bác cáo về virus xuất hiện từ tháng 1. Một số nhà quan sát nghi ngờ dữ liệu của Triều Tiên trong bối cảnh có các báo cáo nặc danh nói dịch đã bùng phát tại đó. Tuy nhiên, các quan chức nước này một mực khẳng định không có ca Covid-19 nào tồn tại.

Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora đã ủng hộ tuyên bố của Triều Tiên bằng cách ca ngợi "các biện pháp kiên quyết và cứng rắn" của Bình Nhưỡng được đưa ra sớm trong cuộc khủng hoảng Covid-19. "Tôi tin vào những gì được báo cáo đó là không có ca nhiễm nào tại CHDCND Triều Tiên", ông Matsegora trả lời phỏng vấn hãng Interfax News.

Triều Tiên là nước có phản ứng sớm đối với dịch Covid-19 và đến nay vẫn không ghi nhận ca nhiễm nào. Ảnh: Newsweek

Những bài viết thường xuyên về cuộc chiến ngăn Covid-19 xâm nhập vào đất nước ngày càng trở nên hiếm hoi trên truyền thông Triều Tiên. Cảnh người dân đeo khẩu trang tại các siêu thị và công viên đông đúc được phát sóng để mang lại cảm giác bình thường, tuy nhiên, lãnh đạo Kim Jong Un lại hiếm khi xuất hiện. Ông Kim chỉ xuất hiện trước công chúng một lần trong 5 tuần qua khi ông tham dự lễ khánh thành Nhà máy Phân lân Sunchon hồi đầu tháng này. Các quan chức Hàn Quốc và một số chuyên gia tin rằng ông đang tích cực tránh các hoạt động công cộng để phòng ngừa Covid-19. Một số bằng chứng từ nguồn mở cho rằng có thể ông đang cư trú nơi nghỉ dưỡng của mình tại thành phố ven biển Wonsan.

Những tin tức về ông Kim thời gian gần đây chủ yếu là những nhiệm vụ tương tác với lãnh đạo các nước. Gần nhất, ông Kim đã gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Cameroon Paul Biya. Đầu tháng này, ông chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin về những thành công trong chống Covid-19 và chúc mừng Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình về những chiến thắng của ông trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Triều Tiên cũng dành lời chỉ trích cho các nước khác. Trong tuyên bố đệ trình lên Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 19/5, phái đoàn của Bình Nhưỡng cho rằng việc đổ lỗi cho WHO về đại dịch Covid-19 là "biểu hiện của sự vô trách nhiệm" nếu như một nước phớt lờ "những cảnh báo của WHO và không có hành động đúng đắn". Mặc dù những nhận xét trên không đề cập đến Mỹ nhưng họ đã đã theo dõi những bình luận chỉ trích gay gắt hướng tới WHO và một chính phủ (không nhắc tên nhưng được cho là Trung Quốc) từ đại diện của Washington trong cuộc họp cũng như từ bản thân Tổng thống Donald Trump.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news