Tâm dịch toàn cầu giờ đây đã chuyển sang Mỹ với hơn 84.000 người thiệt mạng. Khoảng 1,4 triệu người tại Mỹ được xác nhận nhiễm Covid-19, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Ngày hôm qua, người thổi còi Rick Bright cảnh báo rằng Mỹ thiếu kế hoạch để sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19 công bằng khi có thuốc. Nước này có thể đối mặt với "mùa đông đen tối nhất trong lịch sử hiện đại" trừ khi các nhà lãnh đạo hành động dứt khoát. Ông Bright cáo buộc bản thân bị lật đổ khỏi vị trí khoa học cấp cao sau khi cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị cho đại dịch. "Chúng ta chưa có kế hoạch nào cả và đó là một mối quan tâm đáng kể", tiến sĩ Bright nói. Khi được hỏi liệu các nhà lập pháp có nên lo lắng không, ông nói "Hoàn toàn!".
Tiến sĩ Bright, một chuyên gia về vắc xin, người đứng đầu cơ quan sinh học thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của Mỹ cho biết nước này cần kế hoạch thiết lập chuỗi cung cứng để sản xuất hàng chục triệu liều vắc xin, sau đó phân bổ và phân phối chúng một cách công bằng.
Nhà Trắng đã bắt đầu một chiến dịch sản xuất, phân phối và quản lý vắc xin nhanh chóng một khi nó có sẵn. Tổng thống Trump ngày hôm qua đã bắc bỏ những gì Tiến sĩ Bright nói trong một dòng tweet. Ông gọi người này là "nhân viên bất mãn, không được người khác yêu mến hay tôn trọng bởi thái độ và không nên làm việc cho chính phủ nữa".
Háo hức khởi động lại nền kinh tế, ông Trump đã thúc giục các bang gỡ bỏ hạn chế. Nhiều thống đốc của Mỹ đang làm điều đó từ từ mặc dù người dân vẫn không muốn trở lại nhà hàng, các sự kiện xã hội và những giải đấu thể thao.
Dưới dây là một vài tin tức nổi bật về đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới:
Tại Nga, Bộ trưởng khoa học Valery Falkov đã nhiễm Covid-19. Ông là quan chức cấp cao thứ 5 trong chính phủ Nga nhiễm bệnh sau thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa, Bộ trưởng xây dựng và phát ngôn viên Tổng thống Putin. Số ca nhiễm Covid-19 tại Nga đã vượt 250.000 vào ngày hôm qua sau khi lần đầu tiên số ca nhiễm/ngày giảm xuống dưới 10.000 trong vòng 2 tuần.
Các bộ trưởng đến từ nhóm 20 nền kinh tế lớn G20 ngày hôm qua cam kết đảm bảo những hạn chế xuất khẩu nguồn lực chính cần thiết để chống lại Covid-19 sẽ được dỡ bỏ càng sớm càng tốt. Những hạn chế như vậy cần được "nhắm mục tiêu, cân đối, minh bạch, tạm thời" và phù hợp với các quy tắc của WTO.
Ít nhất 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đặt hạn chế xuất khẩu các loại hàng hóa như thuốc, khẩu trang và máy thở để đối phó với sự lân lan của virus trong tháng trước. Trong khi các quốc gia được phép thực hiện các biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự thiếu hụt nguồn lực quan trọng thì những động thái này làm tăng quan ngại về sự phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vật tư y tế thường do các nước giàu sản xuất, chúng có thể gây tổn hại không tương xứng cho các nước nghèo.
Theo dữ liệu mới công bố của chính phủ Mỹ, đã có thêm 2,98 triệu người nộp đơn xin nhận viện trợ thất nghiệp trong tuần qua, nâng tổng số người thất nghiệp tại Mỹ vì đại dịch Covid-19 lên 36,5 triệu.
Một người đàn ông Rohingya đã trở thành người đầu tiên dương tính với Covid-19 trong trại tị nạn ở Bangladesh. Các trại tị nạn hiện có gần 1 triệu người, các quan chức cho biết. Trước đó, các chuyên gia y tế đã cảnh báo về khả năng virus lây lan qua những con hẻm chật chội và ngập nước thải của những trại tị nạn thuộc quận Bazar. Đây là nơi những người Hồi giáo bỏ trốn khỏi cuộc tấn công tại Myanmar hơn 2 năm trước sinh sống.
Ủy ban châu Âu ngày hôm qua đã đình chỉ việc giao 10 triệu khẩu trang Trung Quốc cho các nước thành viên và Anh sau khi 2 nước phàn nàn về chất lượng sản phẩm họ nhận được. Sau khi lô hàng 1,5 triệu khẩu trang được vận chuyển đến 17/27 nước thành viên và Anh, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Lukasz Szumowski cho biết 600.000 chiếc mà nhà chức trách nước này nhận được không đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và không theo các tiêu chuẩn y tế cần thiết để họ phân phối. Một quốc gia thành viên khác là Hà Lan cũng phàn nàn về chất lượng sản phẩm.
Người đứng đầu ủy ban khoa học chính phủ Italy cho biết nước này sẽ bắt dầu xét nghiệm mẫu máu đại diện của 150.000 người tại 2.000 thành phố trong tuần tới để tìm hiểu mức độ đại dịch Covid-19. Italy hiện có hơn 222.000 ca nhiễm được xác nhận với hơn 31.000 ca tử vong kể từ khi dịch được biết đến vào ngày 21/2.
Do tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tăng vọt trong tuần này, chính phủ Chile đã tuyên bố phong tỏa chặt 7 triệu người tại Santiago từ hôm nay. Hàng ngàn ngôi mộ mới đã được đào tại nghĩa trang chính của thủ đô khi dịch lên đến đỉnh.