Tin mới

Tàu thăm dò NASA đã đào sâu được vào bề mặt sao Hỏa

Thứ năm, 14/05/2020, 17:26 (GMT+7)

Sau nhiều tháng vật lộn, thiết bị Chuột trũi của tàu thăm dò InSight của NASA cuối cùng cũng dần dần ổn định trong nhiệm vụ đào sâu vào bề mặt sao Hỏa.

NASA cho biết cách tiếp cận mới của họ đang có tiến bộ. Các nhà khoa học sử dụng một cái xẻng ở cuối cánh tay robot của tàu thăm dò để đưa thiết bị Mole (hay còn gọi là Chuột trũi) dài 40cm vào bề mặt cứng của sao Hỏa. Nỗ lực đưa Mole - do Trung tâm hàng không Vũ trụ Đức (DLR) sản xuất - vào bề mặt sao Hỏa được khởi động từ tháng 2/2019 nhưng đã bị đình trệ.

Thiết bị thăm dò này cần có đất rơi vào lỗ đào để tạo ra ma sát, giúp nó thâm nhập sâu hơn trong nhiệm vụ đo nhiệt độ sâu bên trong hành tinh đỏ. Tuy nhiên Mole gặp phải một lớp đất cứng như si măng không ngờ đến, gọi là "duricrust", không rơi vào lỗ mà thiết bị đã đào.

Mới đây, NASA đã công bố video ghi lại từ sao Hỏa, cho thấy cảnh thiết bị của tàu thăm dò đang đào đất trên sao Hỏa. NASA dự đoán toàn bộ cánh tay robot sẽ giúp Mole đi vào bề mặt sao Hỏa vào khoảng tháng 6.

Video quay từ sao Hỏa cho thấy xẻng đào màu đen ở cuối cánh tay robot đang đẩy Mole vào bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA

Bruce Banerdt, nhà điều tra chính của NASA về InSight hồi tháng trước cho biết: "Chúng tôi dự đoán rằng Mole sẽ đào được vào sâu mặt đất trong vòng một hoặc hai tháng nữa. Tại thời điểm nó nó có thể tự đi hoặc không".

Theo DLR, cái xẻng ở đầu cánh tay đang nhẹ nhàng cân bằng lực giật của Mole khi đào đất. Do đó, những người vận hành cần thường xuyên định vị lại cánh tay của phương tiện và xẻng đào.

Khoảng 3 tháng sau khi InSight đáp xuống bề mặt sao Hỏa (tháng 11/2018), Mole được triển khai và bắt đầu thâm nhập. Nó nhanh chóng đào đến độ sâu 33 cm nhưng sau đó lại không thể tiến sâu hơn nữa, NASA cho biết. Mole được thiết kế để thâm nhập sâu tới gần 5m, nhưng cần phải đạt độ sâu ít nhất 2m trước khi có thể thực hiện các phép đo hữu ích.

Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng tàu thăm dò có lẽ bị kẹt do một tảng đá cứng nhưng các quan sát xác định chính đặc tính đất của sao Hỏa gây ra điều này. Các chuyên gia tin rằng duricrust, một loại đất kết hợp giữa cát và muối nằm dưới lớp bề mặt dày khoảng 5-10cm.

Đến tháng 10/2019, các chuyên gia của NASA đã đạt được tiến bộ khi dùng xẻng để đẩy Mole sang một bên lỗ đào trước khi lên kế hoạch mới đưa Mole trở lại vào tháng 2 năm nay. Mục tiêu chính của kế hoạch mới là ngăn Mole không bị chồi lên khỏi lỗ đào và bị đất chôn vùi.

Hiện tại, tất cả các thiết bị khác trên InSight đều hoạt động tốt hoặc tốt hơn mong đợi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news