Tin mới

WHO: Covid-19 có thể không bao giờ biến mất như HIV

Thứ năm, 14/05/2020, 09:16 (GMT+7)

Virus corona gây bệnh Covid-19 có thể trở thành bệnh địa phương giống như HIV, tổ chức WHO cảnh báo khi số ca nhiễm toàn cầu lên gần 4,3 triệu.

"Điều quan trọng là phải chuẩn bị cho kịch bản virus có thể trở thành một loại virus địa phương trong cộng đồng của chúng ta và nó không bao giờ biến mất", chuyên gia tình trạng khẩn cấp WHO Mike Ryan nói tại cuộc họp báo ngày hôm qua. "Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải thực tế. Không ai có thể dự đoán khi nào căn bệnh này biến mất, không ai dám hứa điều này và không có ngày tháng nào. Căn bệnh này có thể trở thành một vấn đề lâu dài, cũng có thể không". Tuy nhiên, ông Ryan cho rằng thế giới đã kiểm soát được cách đối phó với dịch mặc dù điều này sẽ cần "nỗ lực rất lớn" ngay cả khi tìm ra vắc xin.

Hơn 100 loại vắc xin tiềm năng đang được phát triển, trong đó có một số đã được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhấn mạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm vắc xin hiệu quả chống lại virus corona. Ông Ryan lưu ý rằng đã có vắc xin cho các loại bệnh khác, chẳng hạn như sởi và những căn bệnh này chưa được loại trừ. Theo ông, việc kiểm soát virus rất quan trọng để giảm mức độ đánh giá rủi ro. Hiện mức độ rủi ro ở "cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu" vẫn đang ở mức cao.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang vật lộn với câu hỏi làm thế nào để mở lại nền kinh tế trong khi vẫn kiềm chế được virus. Đến nay, Covid-19 đã khiến 294.000 người chết, theo số liệu thống kê của ĐH Johns Hopkins.

Bức tranh tường vẽ nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP

Tại Mỹ, mâu thuẫn giữa Tổng thống Donald Trump và cố vấn y tế Anthony Fauci đã trở nên sau sắc hơn liên quan đến việc nới lỏng hạn chế. Ông Trump muốn mở cửa lại trường học và nền kinh tế. Trong khi đó, ông Fauci cảnh báo rằng việc mở cửa quá sớm có thể cho phép virus tiếp tục lây lan và điều này có thể khiến nước Mỹ gặp khó khăn hơn khi cố gắng hồi phục kinh tế.

Dự báo của LHQ mới đây cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ thu hẹp nền kinh tế thế giới đến 3,2% trong năm nay. Đây là cơn co thắt mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Báo cáo giữa năm của LHQ ngày hôm qua nói rằng Covid-19 dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng kinh tế toàn cầu gần 8,5 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới, xóa sạch gần như tất cả lợi nhuận 4 năm qua. Vào tháng 1, LHQ dự báo tăng trưởng năm 2020 ở mức khiêm tốn 2,5%. Báo cáo về Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới LHQ thì nói rằng đại dịch đang "làm trầm trọng tình trạng đói nghèo và bất bỉnh đẳng". Theo ước tính, 34,3 triệu người có khả năng sống dưới mức cực kỳ nghèo đói vào năm 2020, 56% trong số này nằm ở châu Phi. 130 triệu người có khả năng gia nhập hàng ngũ những người cực kỳ nghèo đói vào năm 2030, đây là một đòn giáng mạnh đối với những nỗ lực xóa đói nghèo cục cực trên toàn cầu vào cuối thập kỷ này.

Châu Âu đã lên kế hoạch du lịch cho mùa hè này. Mong muốn cứu hàng triệu việc làm trong ngành du lịch, EU đã có kế hoạch khởi động lại giai đoạn du lịch vào mùa hè này. Việc kiểm soát biên giới châu Âu cuối cùng đã được dỡ bỏ, các biện pháp để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm như đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng được đưa ra.

Brazil đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục vào ngày hôm qua, vượt qua Pháp và trở thành quốc gia ảnh hưởng nặng thứ 6 trên thế giới. Căn bệnh đã đẩy nền kinh tế Brazil suy thoái nặng nhất kể từ năm 1900. Chính phủ xác nhận có 11.385 ca Covid-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 188.974 ca kể từ khi dịch bùng phát. Đầu ngày 13/5, Pháp đã sửa số ca nhiễm và nghi nhiễm xuống còn 177.700.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news