Bức ảnh cho thấy đại sứ Tang Songgen đang bước đi trên lưng các cậu bé tại một buổi lễ chào mừng trên đảo Marakei của quốc đảo tại Thái Bình Dương này hồi đầu tháng. Nó nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và châm ngòi cho cuộc tranh luận về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.
Rất nhiều người đã nổi giận về hình ảnh này, trong đó có Nghị sĩ đảng Tự do của Australia, Dave Sharma. Ông chia sẻ lại bức ảnh và đặt câu hỏi "Đây có phải sự thật không?".
Tùy viên Quốc phòng Mỹ tại Quần đảo Thái Bình Dương, Tư lệnh Constantine Panayiotou cũng là một trong số những người xót xa khi thấy hình ảnh này. "Tôi thật không thể tưởng tượng có chuyện bước đi trên lưng trẻ em lại là hành vi được một đại sứ dù đến từ bất cứ nước nào chấp nhận".
>> Xem thêm: Đại sứ Trung Quốc: 'Không thể đổ lỗi cho chúng tôi khi số ca mắc ngày một tăng'
Tuy nhiên, ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói với phóng viên rằng những người tổ chức buổi lễ chào mừng nhấn mạnh vào nghi thức và đó là cách "truyền thống" có từ lâu đời để thể hiện "sự tôn trọng tối cao đối với khách quý". Ông Triệu lưu ý rằng Australia biết rất rõ về phong tục này, họ là nước tiếp nhận nó từ nhiều năm trước.
"Vào năm 1998, khi cao ủy Australia đến Kiribati cũng đến thăm đảo này, người dân địa phương cũng chào đón ông ấy bằng nghi thức tương tự. Kiribati rất tức giận khi một số người Australia bôi nhọ Trung Quốc và cố tình bỏ sót kiến thức về phong tục độc đáo trên hòn đảo này của Kiribati", ông nói.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc cũng một lần nữa chỉ trích Australia trong ngày hôm qua. Diễn giải lời của trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các Quốc đảo Thái Bình Dương, ĐH Liaocheng, Yu Lei, tờ báo cho biế Australia đang tức giận trước mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương khác. "Australia từ lâu dã coi các hòn đảo ở nam Thái Bình Dương là "sân sau" của mình. Sự chào đón nồng nhiệt đối với đại sứ Trung Quốc rõ ràng không phải là điều mà họ mong muốn, bởi các quốc đảo này hiếm khi thân thiện với những chủ nhân thuộc địa cũ đến từ phương Tây".
Đại sứ Tang cũng đáp lại sự phẫn nộ từ dư luận, khẳng định cách chào đón này chỉ là "phép lịch sự truyền thống".