Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 5, sau ung thư gan, phổi, dạ dày và vú, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018. Mỗi năm, cả nước ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới với tỉ lệ 13,4/100.000 người, và có khoảng 7.000 ca không qua khỏi.
Mới đây, Sohu đưa tin về một nữ bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối dù mới 33 tuổi. Cô Lý đã có vấn đề về đường ruột cách đây khoảng 6 tháng. Tuy nhiên vì chủ quan cho rằng bản thân còn trẻ, khó mắc bệnh nặng nên cô không để ý.
Khi tình trạng táo bón diễn ngày càng nặng hơn, cô Lý vẫn không đến bệnh viện mà đi mua thuốc nhuận tràng về uống. Uống đến nửa năm không có tác dụng, thậm chí cô gái trẻ còn đau bụng dữ dội và sụt cân nhanh.
Sau nhiều bước xét nghiệm, bác sĩ xác định cô bị ung thư giai đoạn cuối. Đây là bài học cảnh tỉnh bởi nhiều người cho rằng tuổi trẻ thì sẽ không bị ung thư đại trực tràng. Thông tin này cũng khiến cô Lý suy sụp.
Việc mắc ung thư đại trực tràng chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống không lành mạnh. Đáng nói là cô Lý không hút thuốc, không uống rượu, gia đình cũng không ai mắc ung thư đại trực tràng nhưng cô vẫn vướng phải căn bệnh này.
Cuối cùng, sau quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện cô gái trẻ đã duy trì 2 thói quen xấu và đáng lo hơn, đây lại là những thói quen mà người trẻ thường làm hằng ngày. Cô ăn rất ít, thậm chí là không ăn rau quả. Thay vào đó, bạn trẻ này lại rất thích ăn thịt, đặc biệt là thịt đã qua chế biến như ướp, hun khói, rán...
Thêm vào đó, cô Lý cũng sử dụng quá nhiều đồ chiên rán. Món ăn chiên rán dù tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư nhưng lại là món ăn hấp dẫn với nhiều người trẻ hiện đại. Thịt nướng và đồ chiên rán sau quá trình chế biến ở nhiệt độ cao dễ sinh ra các chất có hại cho cơ thể, đặc biệt là amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng - đây là loại chất có khả năng gây bệnh ung thư cao, đặc biệt ung thư đại trực tràng.