Trình bày một báo cáo và hướng dẫn Chính sách của LHQ về Covid-19 và sức khỏe tâm thần, giám đốc bộ phận sức khỏe tâm thần của WHO Devora Kestel nói rằng số lượng và mức độ của bệnh tâm thần có thể gia tăng, các chính phủ cần đặt vấn đề này lên hàng đầu. "Sức khỏe tâm thần và phúc lợi của toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng này và là ưu tiên cần được giải quyết khẩn cấp", bà nói với các phóng viên.
Báo cáo nhấn mạnh một số khu vực và lĩnh vực của xã hội dễ bị tổn thương tinh thần, chẳng hạn như trẻ em, người trẻ bị cách ly khỏi bạn bè, nhà trường, những nhân viên y tế phải chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân nhiễm bệnh và chết dần vì Covid-19. Các nghiên cứu và khảo sát có sẵn cho thấy tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần toàn cầu. Các nhà tâm lý nói rằng trẻ em rất lo lắng và sự gia tăng số trường hợp trầm cảm, lo lắng được ghi nhận tại một số quốc gia.
Bạo lực gia đình gia tăng, các nhân viên y tế cần hỗ trợ tâm lý ngày càng nhiều. Tuần trước, Reuters đưa tin các bác sĩ và y tá tại Mỹ nói rằng họ hoặc đồng nghiệp đã trải qua sự hoảng loạn, lo lắng, đau buồn, tê liệt, khó chịu, mất ngủ và ác mộng.
Ngoài ngành y tế, báo cáo của WHO nói rằng nhiều người còn đau khổ vì những tác động sức khỏe tức thời và hậu quả của việc cách ly, trong khi đó, nhiều người khác sợ bị nhiễm bệnh, bị chết hoặc mất đi người thân.
Hàng triệu người dang phải đối mặt với bất ổn kinh tế, bị mất hoặc có nguy cơ mất thu nhập và sinh kế. Và những thông tin sai lệch, tin đồn về đại dịch, sự không chắc chắn về việc dịch sẽ kéo dài bao lâu khiến người ta cảm thấy lo lắng, vô vọng về tương lai.
Nó đã phác thảo những điểm hành động cho các nhà hoạch định chính sách nhằm "giảm bớt nỗi khổ lớn lao của hàng trăm triệu người và giảm thiểu chi phí kinh tế xã hội lâu dài cho xã hội".