Tin mới

Ăn tiết canh lợn, hai người nguy kịch

Thứ ba, 30/06/2015, 11:21 (GMT+7)

Hai bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do ăn tiết canh lợn, đang được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị tích cực.

Hai bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do ăn tiết canh lợn, đang được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị tích cực.

Theo tin tức từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do ăn tiết canh lợn.

Bệnh nhân Lương Văn Ô. (Quan Hóa, Thanh Hóa) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng, ý thức bị tụt nhanh. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng viêm nhiễm của ông Ô. có giảm nhưng tình trạng rối loạn chức năng chuyển hóa của cơ thế vẫn chưa cải thiện nhiều.

Được biết, trước đó, gia đình ông Ô. đã mổ, ăn thịt lợn chết. Ông Ô. còn ăn cả tiết canh. Sau một ngày ăn tiết canh, ông Ô. lên cơn sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn và ý thức lơ mơ.

Gia đình đưa ông Ô. đến bệnh viện Thanh Hóa để cấp cứu. Do tình trạng bệnh nặng, các bác sĩ đã làm thủ tục chuyển ông Ô lên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Ăn tiết canh lợn, hai người nguy kịch (ảnh minh họa)

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Vũ Mạnh Q. (Lĩnh Nam, Hà Nội). Trước khi nhập viện, bệnh nhân Q. cùng gia đình có ăn tiết canh lợn. Ngay sau đó, ông Q. có biểu hiện sốt, nổi những vết tím ở chân, hôn mê sâu. Gia đình đã đưa ông Q. đến bệnh viện cấp cứu. Hiện tình trạng sức khỏe của ông Q. vẫn không thuyên giảm, có nguy cơ tử vong.

Trước đó 4 ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 4 người cấp cứu do ăn tiết canh trong đó có một người xin về và đã tử vong, một ca đang hôn mê.

Trao đổi trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa...của lợn. Vì thế để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.

Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.

H.Nguyen (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news