Hãy cùng điểm lại những sản phẩm thành công và cả những thất bại mà gã khổng lồ Android có được trong suốt 10 năm qua.
HTC G1 (2008)
Mặc dù Android được sáng lập từ trước nhưng câu chuyện của Dream chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2005 khi Google mua lại Android với giá khoảng 50 triệu USD.
HTC Dream. Năm ra mắt: 2008 |
Khi đó, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có nguồn tài nguyên khổng lồ của Google, Andy Rubin và các sáng lập Android khác bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc để biến Android trở thành đối thủ đáng gờm của Symbian, Windows Mobile và iPhone OS (sau này là iOS). Android là hệ điều hành di động dựa trên nhân Linux.
Phải gần một năm sau khi giới thiệu về nền tảng di động Android, đến ngày 23/9/2008, chiếc smartphone đầu tiên sử dụng nền tảng di động này được ra mắt, đó là chiếc Smartphone HTC Dream (còn được biết đến với tên gọi T-Mobie G1), sản phẩm hợp tác giữa Google và HTC, được trình làng để xem như là đối trọng cạnh tranh với iPhone đang rất “hot” trên thị trường di động kể từ khi phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 2007.
Là chiếc flagship đầu tiên của HTC khi chính thức bước chân mở đầu cho thị trường Android. Theo đa phần cách đánh giá thì đây là một chiếc điện thoại có chất lượng tốt, chỉ xếp sau iPhone 3G trong năm 2008. HTC Dream có những tính năng nổi trội như Google Maps với GPS, và chợ ứng dụng Android Market, tất nhiên là còn phải kể đến bàn phím trượt nữa.
Moto Droid (2009)
Droid không phải là điện thoại Android đầu tiên nhưng lại được nhận phản hồi tốt từ giới phân atichs. Droid đã vượt qua iPhone 3GS để trở thành thiết bị của năm 2009 do tạp chí Time bình chọn.
Đây là những sản phẩm Android đầu tiên đạt nhiều thành công, Droid đã có những tính năng vượt bậc, rất hữu ích trong gia đình điện thoại Android. Thiết kế vững chắc, hiệu suất cao, nạp pin nhanh chóng. Và từ đó chúng ta đã thấy những sản phẩm tiếp theo như Droid 2, Droid 2 Global và Droid Pro.
HTC/Google Nexus One (2010)
Nexus là dòng smartphone do chính Google thiết kế, phát triển và chạy HĐH Android nguyên gốc không bị chỉnh sửa. Nexus được Google hợp tác với các hãng OEM như LG, Motorola, HTC hay mới đây là Huawei để sản xuất.
Vào đầu năm 2010, Google đã hợp tác với HTC để sản xuất thiết bị Nexus đầu tiên, mang tên Nexus One. Chiếc điện thoại này được ra mắt như một quả bom khác bên cạnh hệ điều hành Android 2.1 Eclair.
Nexus One đánh dấu lần đầu tiên Google bước chân vào thị trường phần cứng điện thoại. Các thiết bị Nexus cung cấp các thông số kỹ thuật tương đối cao cho các điện thoại được thiết kế để thể hiện tốt nhất tầm nhìn của Google về Android. Sau một thời gian, những chiếc điện thoại này trở nên mất giá và thậm chí là biến mất khỏi thị trường, Google cũng không còn quảng cáo nhiều về nó nữa
HTC Evo 4G (2010)
Còn có tên gọi khác là HTC Supersonic, chiếc điện thoại 4G đầu tiên trên thế giới HTC EVO 4G sở hữu nhiều thiết đặt “chuẩn không cần chỉnh”, do đó chắc chắn sẽ đáp ứng tốt mọi nhu cầu đa dạng của người dùng.
HTC EVO 4G mở rộng màn hình cảm ứng đa điểm lên tới 4.3 inch đạt độ phân giải 480 x 800 pixel nên có xem video HD hoặc lướt web đều phê lắm, chưa kể cài sẵn phần mềm YouTube HQ và một ứng dụng video chat có tên gọi là Qik khá thú vị.
Chú dế được đánh giá là một trong những chiếc điện thoại thông minh mạnh mẽ nhất hiện nay với chíp Snapdragon 1 GHz, RAM 512 MB, bộ nhớ trong 1 GB, cổng HDMI, camera 8 MP và chạy trên nền hệ điều hành Android với nhiều tiện ích kết nối tới mạng xã hội cùng các tính năng giải trí, văn phòng ấn tượng.
Chiếc HTC Evo 4G từng gây xôn xao thị trường Mỹ, nhưng sau đó người dùng nhanh chóng nhận ra yếu điểm của chiếc điện thoại 4G đầu tiên tại Mỹ này đó là hạ tầng 4G khi đó chưa phát triển, dẫn tới trải nghiệm người dùng không được như mong đợi.
Samsung Galaxy S (2010)
Năm 2010, tại sự kiện CTIA diễn ra ở Las Vegas, CEO J.K. Shin chính thức giới thiệu chiếc Galaxy S đầu tiên, đánh dấu sự gia nhập của Samsung vào làng smartphone Android.
Từ ngày đầu xuất hiện, Galaxy S đã cho thấy sứ mệnh lịch sử của mình. Thiết kế của máy phá vỡ nhiều quy chuẩn về kích thước của smartphone lúc bấy giờ. Galaxy S cũng khơi mào cho cuộc chiến về thiết kế giữa Apple với Samsung nói riêng và smartphone Android nói chung. Thiết kế nhựa với mặt lưng có thể tháo rời được cho là khắc phục được những nhược điểm của iPhone về việc không thể thay thế pin và thiếu thẻ nhớ ngoài.
Đã có 25 triệu chiếc Galaxy S được bán ra trên toàn thế giới. Đó là con số mơ ước của nhiều ông lớn trong ngành di động, đặt nền tảng quan trọng cho thành công của dòng Galaxy S sau này.
Motorola Xoom (2011)
Motorola Xoom được đánh giá là một đối thủ cực mạnh với iPad, và nó cũng là thiết bị đầu tiên chạy hệ điều hành Honeycomb - phần mềm dành riêng cho máy tính bảng.
Google đã làm việc với Motorola về việc tích hợp chip đồ họa Nvidia như một sự hỗ trợ phần cứng thích hợp cho Android 3.0.
Android 3.0 là một HĐH thiết kế hỗ trợ dành cho máy tính bảng, không như các phiên bản trước đó chỉ dành cho smartphone. Chip Nvidia Tegra 2 lõi kép được tích hợp với sức mạnh gấp đôi, mỗi lõi có xung nhịp 1 GHz.
Motorola Xoom với hệ điều hành Android 3.0 Honeycomb và màn hình 10.1 được cho là đối thủ xứng tầm của iPad. Tuy nhiên khi người dùng phát hiện ra rằng Honeycomb thực sự không sẵn sàng cho việc sử dụng phổ biến và màn hình 10,1 inch của Xoom có thể không hoàn toàn phù hợp hơn màn hình iPad 2, thiết bị đã không nhận được thành công.
Amazon Kindle Fire (2011)
Trong thị trường máy tính bảng hiện nay, ít có sản phẩm nào đáp ứng được cả hai tiêu chí vừa tốt vừa rẻ ngoài Amazon Kindle Fire.
Kindle Fire có cấu hình đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dùng máy tính bảng là lướt web và giải trí. Máy có màn hình IPS 7 inch, chạy trên nền tảng bộ vi xử lý hai lõi 1 GB, bộ nhớ RAM 512 MB và hệ điều hành Android được Amazon tùy biến rất đơn giản và dễ dùng.
Chiếc Kindle đầu tiên ra mắt vào tháng 11/2007, tức là khi cuộc cách mạng smartphone do Steve Jobs khởi xướng đã đi được vài tháng. Một năm sau đó, máy đọc sách này bán ra được khoảng 250.000 máy và thu về 10% doanh số bán sách của Amazon. Đến năm 2011, khi chiếc iPad của Steve Jobs đã xâm chiếm thế giới, Kindle vẫn đạt tới mức doanh số 3 triệu máy.
Dĩ nhiên, những con số đó là quá nhỏ bé so với các mức kỷ lục của Harry Potter hay iPad, song điều cần nhận thấy ở đây là những chiếc Kindle đã luôn "kén" người dùng ngay từ thời điểm ban đầu: những năm Kindle thành công nhất cũng là những năm tablet bắt đầu phổ cập còn sách giấy thì vẫn cứ bất tử như trước. Không ai nghĩ rằng một thiết bị có màn hình đơn sắc, có tác vụ duy nhất là để đọc sách sẽ sống sót qua năm đầu tiên chứ đừng nói là bán được vài triệu máy.
Ai cũng có thể nhận thấy thành công lớn nhất của Kindle là khả năng thay đổi thói quen sử dụng của người dùng. Những chiếc máy đọc sách điện tử (e-reader) giờ đã trở nên phổ biến, và nói tới e-reader là nhắc tới Kindle.
Xperia Play (2011)
Sony Ericsson Play là một chiếc điện thoại chơi game chuyên dụng với thiết kế đặc thù dành cho game thủ. Tuy nhiên, cấu hình thấp cùng lượng game ít đã khiến Sony Ericsson Play mất điểm. Đã có lúc tưởng như Sony Ericsson Xperia Play sẽ không được bán tại Việt Nam bởi Android Market thời điểm đó chưa chấp nhận các thanh toán từ ngân hàng trong nước, và đồng nghĩa với việc không thể mua thêm game cho Sony Ericsson Xperia Play.
Nhìn chung thiết kế của các smartphone thuộc dòng Xperia cũng có những điểm độc đáo nhất định, tuy nhiên rõ ràng là Sony Ericsson đã quá tự tin khi cho rằng mình đã đạt đến đẳng cấp tự do "tay dao tay búa", bán sản phẩm với giá "cắt cổ" mà người mua vẫn phải xúm xít. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại khi các smartphone của Sony Ericsson với giá bán cao, nhiều khiếm khuyết đã không đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Samsung Galaxy Note (2012)
Galaxy Note được xem là thiết bị ngoại cỡ vào thời điểm ra mắt, nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dùng. Giới công nghệ lúc đó cho rằng kích thước 5.3 inch là “quá lớn” và “không cần thiết” mặc dù nếu so với kích thước smartphone bây giờ, 5.3 inch có thể coi là tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Galaxy Note có màn hình đẹp, cấu hình mạnh mẽ hơn hẳn các đối thủ cùng thời đến từ Sony hay HTC. Điểm đặc biệt ở Galaxy Note chính ở bút Spen không cần sử dụng pin, giúp người dùng sử dụng các thao tác viết vẽ. Galaxy Note sau đó đạt doanh số 10 trieu chiếc chỉ sau 1 năm ra mắt đồng thời cũng chính là thiết bị đi đầu khai sinh ra khái niệm phablet trên thị trường di động.
Google Nexus Q (2012)
Được công bố cùng với máy tính bảng Nexus 7 tại sự kiện Google I/O diễn ra vào hồi tháng 6 vừa qua, trớ trêu thay, Nexus Q lại chính là một trong những sản phẩm mới đáng thất vọng nhất của Google.
Nexus Q là thiết bị có thể kết nối với HDTV hay hệ thống âm thanh giải trí để phát trực nội dung video từ Youtube hay chạy các ứng dụng tử Google Play. Thiết bị có thể điều khiển từ xa thông qua smartphone hay máy tính bảng chạy Android. Tuy nhiên, Nexus Q lại được trang bị quá ít tính năng trong khi mức giá bán lại cao lên đến 300 USD không kèm loa.
Ngoài ra, bạn không thể điều khiển thiết bị này với hệ điều hành iOS, Windows Phone hay bất kỳ phần mềm desktop nào, sự hỗ trợ Android của nó cũng bị giới hạn ở các phiên bản Ice Cream Sandwich và Jelly Bean. Thiết bị này cũng chỉ hỗ trợ Google Maps, Google Video và You Tube, do đó, bạn hãy quên đi việc sử dụng Nexus Q để truyền tải nội dung từ các ứng dụng bên thứ ba đi.
HTC First — “The Facebook Phone” (2013)
HTC First, dòng smartphone còn có tên gọi khác là Facebook phone đã trở thành một thảm họa kinh doanh không chính thức.
Dù ngành công nghiệp smartphone vốn có tiếng là giảm giá mạnh tay nhưng mức giảm áp dụng cho First có thể coi là vô tiền khoáng hậu, chưa kể là nó được áp dụng khi con dế này ra mắt chưa đầy một tháng. Điều này phản ánh rõ điều mà giới truyền thông đã tiên đoán từ trước: First thực chất đã chết ngay từ thời điểm công bố.
Cấu hình phần cứng của First không có gì nổi trội. Khác biệt lại càng không. Dù Facebook Home có thể gây tranh cãi đấy, nhưng ít nhất thì nó cũng là một bước đi quả quyết theo một lối rẽ khác. HTC First thì thiếu hẳn sự sáng tạo và liều lĩnh ấy. Có vẻ như HTC chỉ dành ra một ekip hạng B để thiết kế nên First mà thôi. Toàn bộ đội ngũ tinh hoa , "elite" của hãng đã được dành hết cho HTC One, một smartphone Android được nhiều tờ báo ca ngợi là "tuyệt tác". Đứng bên cạnh One, First nhạt nhòa và bình thường đến đáng thương. Nó không tệ, phải khẳng định như vậy, nhưng giống như một cô gái "ngây ngây thơ thơ", vô vị và tẻ nhạt.
HTC One/M8 (2014)
HTC One 2014 được cho là thiết bị di động thành công nhất từ trước đến nay của hãng điện thoại Đài Loan, tuy nhiên từng đó là chưa đủ để HTC khẳng định vị trí của mình trong làng công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, đẹp và mạnh mẽ không thôi vẫn chưa đủ, có thể HTC One là smartphone bán chạy nhất trong lịch sử HTC nhưng doanh số mà nó bán ra vẫn không thể giúp hãng này vực dậy như thời điểm cách đây 4 năm. HTC đã đổ lỗi rất nhiều cho việc chậm trễ trong khâu cung ứng kiện nhưng điểm yếu thực sự lại nằm ở mảng marketing. Điều này dẫn tới việc quảng bá kém của HTC và khiến nó không thể bùng nổ như nhiều người mong đợi.
Google/LG Nexus 5X and Huawei 6P (2015)
Có thể nói cấu hình và thiết kế của Nexus 5X và Nexus 6P không khác nhiều so với những thông tin bị rò rỉ trước đó. Nexus 5X sẽ do LG sản xuất, còn Huawei (Trung Quốc) lần đầu đảm nhiệm công việc sản xuất cho Nexus 6P.
Dường như gã khổng lồ tìm kiếm Google không thể ngồi yên sau khi chính thức phát hành bộ đôi Nexus 5X và Nexus 6P. Nhiều người dùng đã rất bức xúc khi ảnh chụp bằng ứng dụng camera của bên thứ ba trên Nexus 5X bị lộn ngược. Ngoài ra, sản phẩm còn gặp phải lỗi cảm ứng kém nhạy khi cắm sạc. Trong khi đó, Nexus 6P cũng không khá hơn khi liên tục bị người dùng phàn nàn. Sau video bài kiểm tra bẻ cong, các lỗi xước kính cụm camera và màn hình, Nexus 6P tiếp tục bị người dùng báo cáo về chất lượng microphone quá tệ.
Google Pixel (2016)
Bộ đôi Pixel và Pixel XL được Google trình làng vào tháng 10 năm 2016, cách đây 6 tháng, và được coi là đối thủ của iPhone và Galaxy S.
Rất nhiều người dùng iPhone đã từng ít nhất một lần cân nhắc chuyển sang dùng Android. Và cuối cùng thì Google cũng phải “chiều chuộng” mong muốn này: thiết kế một mẫu điện thoại riêng có giá 650 USD. Lần đầu tiên, chúng ta đã có trong tay một mẫu điện thoại mặt kính gợi cho người ta cảm giác thèm muốn, thậm chí là ngang hàng khi đặt cạnh iPhone.
Tất cả những điều trên khiến Pixel trở thành ảo ảnh, một con kỳ lân của làng điện thoại Android. Pixel được đông đảo thừa nhận là một smartphone Android có hiệu suất cao nhất, mượt mà hơn tất cả các mẫu smartphone Android khác. Hơn nữa, nó còn có camera tốt nhất.
Tạm kết
Sau 10 năm kể từ ra mắt chiếc smartphone đầu tiên sử dụng Android, nền tảng này giờ đây không chỉ xuất hiện trên thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng, Android còn xuất hiện trên các thiết bị gia dụng khác như tivi, tủ lạnh, các hệ thống điều khiển thông minh hay trên các hệ thống giải trí của xe ô tô...
Với sự ra mắt của Android và sự phát triển không ngừng của nền tảng di động này đã đánh dấu một đối trọng với iOS của Apple trên thị trường di động. Khác với iOS chỉ do Apple độc quyền và dành cho các sản phẩm đắt tiền của hãng, Android là nền tảng mã nguồn mở và được sử dụng bởi hàng trăm hãng sản xuất smartphone khác nhau, nhắm đến tất cả mọi phân khúc từ cao cấp đến mức giá rẻ, điều này đã góp phần giúp Android trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Không quá khi nói rằng chính sự xuất hiện của Android đã giúp cho smartphone trở nên phổ biến hơn khi mà người dùng ở mọi quốc gia đều có thể dễ dàng tiếp cận và sở hữu một chiếc smartphone với bất kỳ mức giá nào.
Trang Vũ (tổng hợp)