Sau khi lấy chồng và mang thai, căn bệnh suy thận ập đến với Thảo Nguyên. Đứa trẻ sinh ra giữa lúc mẹ bị bệnh tật giày vò nên từ đó đến nay chưa một lần được mẹ ẵm bồng, cho bú.
5 năm trời, cái ngày người mẹ chờ được cưng nựng con tưởng sẽ còn rất lâu nữa nay bất ngờ được chạm đến. Nằm trong phòng cách ly, Thảo Nguyên nghĩ mình vừa trải qua một giấc mơ. Giấc mơ cô đã từng tiệm cận nhưng vì cơn đau bất ngờ làm gián đoạn. Giấc mơ được ghép thận .
Ánh mắt vui mừng của bà mẹ một con ngày được ghép tạng.
5 năm không được ôm con
22 tuổi, Thảo Nguyên (29 tuổi, quê Long An) phát hiện mình có vấn đề ở thận. Nghĩ bệnh không vấn đề gì, 2 năm sau, cô yêu và lập gia đình với một người đàn ông.
Đó cũng là lúc bệnh chuyển sang giai đoạn suy thận mạn. Bệnh nặng hơn, lúc Thảo Nguyên mang thai và sinh con. Kể từ đó ròng rã 1 tuần 3 lần, cô phải chạy từ Long An lên TP.HCM chạy thận nhân tạo. Căn bệnh ác nghiệt khiến Nguyên không còn đủ sức theo nghề công nhân may. Nghỉ việc, cô chuyển sang buôn bán đồ qua mạng nhưng cũng bữa đực bữa cái. Vì những cơn đau đâu chỉ phát sinh ngoài giờ hành chính.
Chị Thảo Nguyên bị suy thận đã nhiều năm nay.
"Hồi đó có người trong gia đình định cho em thận, nhưng sau khi đi khám thấy sức khỏe không đáp ứng, bác sĩ gạt ra. Quá mong muốn được ghép thận nên từ lâu, em đã đăng ký tên mình trong danh sách chờ ghép" - Nguyên kể.
Ngày sinh đứa con đầu lòng, Nguyên nén nỗi đau cố tận hưởng niềm vui làm mẹ. Cánh tay run rẫy chi chít những vết kim đâm, người mẹ trẻ không đủ sức ôm chặt đứa con vào lòng, nói gì đến chăm bẵm. Kể từ lúc sinh nở xong, mọi sinh hoạt gia đình, chăm sóc con cái do một tay chồng cô lo liệu.
Cho đến một ngày của năm 2015, chị Nguyên nhận tin mình được chọn là người nhận quả thận ai đó hiến. Oái oăm thay, đó cũng là lúc người mẹ trẻ đang nằm trong phòng cấp cứu vì sức khỏe suy kiệt. Thời gian quá gấp rút, chị Nguyên đành bỏ đi cơ hội sống một cách đầy tiếc nuối.
Tạng của người đàn ông Vũng Tàu được đưa về BV Chợ Rẫy.
3 năm ròng rã ngụp lặn với bệnh tật, ngày nghe cơ hội lần hai đến, cô như vỡ òa. Ngày 5/4, Thảo Nguyên được chọn là 1 trong 5 bệnh nhân nhận phần tạng của một người đàn ông quê Vũng Tàu, chết não vì Tai nạn giao thông.
Người đàn ông mất đi để lại nỗi tiếc thương cho gia đình, nhưng cũng để lại sự sống cho 5 bệnh nhân.
Giờ đây Nguyên phải nắm lấy cơ hội bằng mọi giá. 5 năm, đến cảm giác đi vệ sinh như một người bình thường cũng là mơ ước xa xỉ với cô. Nguyên không thể đi tiểu, hậu quả của việc chạy thận nhân tạo.
Nhận quả thận như người vừa trúng số
BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai nhớ lại, buổi giao ban sáng ngày 5/4, ông được cấp dưới thông báo có một người phụ nữ mong muốn hiến tạng chồng cứu người.
"Nghe tin này tôi rất bất ngờ lẫn xúc động. Dù BV chưa từng có kinh nghiệm thực hiện điều này bao giờ, chúng tôi chỉ đạo ngay cho các đơn vị liên quan báo cho phía BV Chợ Rẫy. Ngay khi hộ đồng ý nhận tạng, BV huy động mọi nguồn lực sẵn có, cố gắng giữ cho bệnh nhân đợi đến lúc tạng được ekip BS Chợ Rẫy đến nhận" - Bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong hành trình vận chuyển tạng từ Đồng Nai về Sài Gòn.
Những hình ảnh xúc động của ngày nhận tạng hiến vẫn còn in sâu trong đầu ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy (TP.HCM).
"17 giờ chiều, tôi thấy các anh CSGT ngồi ăn bánh mì đợi hộ tống vận chuyển tạng. Đồng thời nhờ BV Đồng Nai hỗ trợ hết mình mà mọi tính toán thời gian đều chính xá, thậm chí chính xác từng phút. Gia đình người hiến tạng vô cùng nhân văn. Thậm chí còn hỗ trợ thêm một phần viện phí cho bệnh nhân nhận tim khi thấy hoàn cảnh của họ quá khó khăn" – ThS Hiển nói.
Con gái của chị Nguyên đã 5 tuổi nhưng hiếm khi được gần gũi mẹ.
Nhờ sự phối hợp của lực lượng CSGT Đồng Nai, các phần tạng được chuyển đến Sài Gòn trong vỏn vẹn 30 phút. Nguyên được ghép thận thành công. Và cũng là lần đầu tiên sau ngần ấy năm, cô có thể đi tiểu.
"Trước khi chạy thận em đã không có nước tiểu, trong quá trình chạy thận cũng không. Giờ đi tiểu được em mừng lắm. Mấy ngày ghép xong, ông xã túc trực bên ngoài phòng cách ly. Một tay anh ấy chăm sóc 2 mẹ con em, lo kinh tế gia đình từ lúc chạy thận. Nhờ có ảnh mà em còn giữ được tinh thần đến ngày hôm nay" - chị Nguyên vui mừng chia sẻ dù sức khỏe vẫn còn khá yếu.
Hỏi cảm giác sau khi nhận thận thế nào, chị Nguyên kể như một đứa trẻ: "Nhiều người nói có được trái thận này giống như trúng số độc đắc, có người cả đời không được trúng số nữa. Em cũng nghĩ như vậy. Ngày bỏ qua một lần ghép thận em buồn lắm, tinh thần suy giảm. Nhưng em suy nghĩ lại rằng con người ai cũng có cái duyên hết, duyên tới ắt hẳn sẽ tới, duyên không tới dù có trông đợi cỡ nào cũng vậy.
Gia đình nhỏ của bà mẹ một con. (Ảnh: NVCC)
Em vẫn cố gắng chờ đợi, vẫn đi tái khám đều đặn, vẫn nuôi dưỡng niềm tin. Đời người chạy thận khổ lắm, có lúc 3h khuya em phải đi xe máy từ Long An lên. Có những bữa trời mưa vất vả lắm, người vừa mệt vừa thất vọng. Nghĩ vì sao mà công việc đang làm tốt thì phải bỏ, con cái thì không săn sóc, sao tự nhiên phải nằm viện mà nản. Cứ hi vọng một ngày nào đó có người hảo tâm giúp đỡ mình, và rồi may mắn tới. Xin gửi lời tri ân, cảm ơn người đã hiến thận cho em".
Nguyên kể, cô thèm khát được nhào đến ẵm con trên tay. Chuỗi thời gian mang thai trước đó, bác sĩ bảo Nguyên gắng kiềm chế cảm xúc, kiểm soát không để huyết áp tăng. Họ khuyến cáo cô, cố giữ thai được lúc nào thì giữ, không được thì thôi, tính mạng mình là trên hết. Hơn 7 tháng, con gái Nguyên chào đời. Từ lúc sinh con ra, cô không thể cho bé bú được. Thoắt cái đã 5 năm…
Ngoài chị Nguyên, một người phụ nữ khác được ghép quả thận còn lại của người đàn ông Vũng Tàu.
Một trong hai người được ghép giác mạc trong ca hiến tạng ngày 5/4.
Một tuần sau khi xuất viện, mọi sinh hoạt tại nhà của Nguyên đều phải cách ly. Đứa con gái bé bỏng của Nguyên không dám đến gần mẹ vì sợ cãi lời bác sĩ là mẹ lại bệnh nặng. Nguyên vẫn chưa được bế bồng con.
"Em mong ngày khỏe mạnh đến thật nhanh để được làm việc, được phụ chồng chăm sóc gia đình, được đưa đón con đi học. Mấy năm nay, em đã làm khổ anh ấy quá nhiều" - Nguyên tâm sự.
Ngoài hai trường hợp trên, 3 phần tạng hiến khác gồm 1 quả thận và hai giác mạc của người đàn ông ở Vũng Tàu cũng được chuyển từ Đồng Nai về Sài Gòn.
Quả thận còn lại được ghép cho một phụ nữ 45 tuổi, bị suy thận mạn đã 10 năm. Trước đây, người em trai có ý định hiến thận cho chị, nhưng vì bệnh viêm gan nặng nên không thể cho. Trùng hợp thay, cả hai phần giác mạc còn lại cũng được ghép cho 2 phụ nữ.
Đến nay, sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định. Đây là trường hợp hiến ghép tạng đầu tiên có sự tham gia của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.