Hơn 37 năm kể từ ngày cô thôn nữ Trần Thị Minh (thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam) lên chức trưởng công an thôn. Bây giờ, cái tiếng về một nữ công an “đặc biệt” này không còn gói gọn trong xóm làng Tam Anh nữa mà đã bay xa khắp. Nhắc đến chị, anh em trong ngành ai cũng phải trầm trồ, thán phục.
Gặp chị Minh vào một ngày đông lạnh lẽo, ấn tượng đầu tiên của tôi về người phụ nữ 55 tuổi này là dáng người to lớn, khuôn mặt rắn rỏi toát lên sự mạnh mẽ nhưng ẩn đằng sau đó là một sự thông minh, nhanh nhẹn và dễ gần đến lạ kỳ.
Người phụ nữ đặc biệt
Rót ly nước trà xanh mời khách rồi chị Minh tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề. Gia đình nghèo, lớp 2 đã phải nghỉ học nên ước mơ trở thành công an tưởng chừng như không thể. Rồi một ngày năm 1976, mấy cán bộ trên huyện đến động viên: “Con gái có tướng cao to, oai phong ri mà không làm công an thì phí lắm”. Lúc đầu ngần ngại, nhưng sau thấy đúng sở thích nên chị liền gật đầu… đại.
Nghề nghiệp buộc chị phải nhanh trí và quyết đoán, chị luôn tự nhủ với lòng, tội phạm cũng vì hoàn cảnh xô đẩy nên mới quay lưng với pháp luật.
Là trưởng công an một thôn có địa bàn phức tạp, với 8.000 dân thì đã có hơn 500 đối tượng “đen”. Ngày mới nhận nhiệm vụ chị lo lắm…
Vụ đầu tiên trong bộ quân phục là tham gia mật phục băng thanh niên trộm cướp khét tiếng. Nhiều đêm, thân gái một mình nằm lại giữa núi rừng hoang vắng, chị tự hỏi: “Mình có nhất thiết phải làm cái nghề nguy hiểm này không?”. Nhưng sau đó, nghĩ về sự bình yên của người dân chị lại gạt phăng ý nghĩ đó.
Biết chị đang theo dõi, bọn cướp hăm dọa: “Con Minh mà còn theo dõi thì “xử” hết cả nhà luôn”. Nhưng thầm nghĩ nếu không diệt trừ bọn chúng thì hậu quả càng khôn lường hơn. Thế nên sau 5 tháng tìm hiểu, chị và đồng đội đã tóm gọn chúng sau một cuộc đọ súng quyết liệt.
Nghề nghiệp buộc chị phải nhanh trí và quyết đoán, chị luôn tự nhủ với lòng, tội phạm cũng vì hoàn cảnh xô đẩy nên mới quay lưng với pháp luật. Đôi khi dùng vũ lực không có hiệu quả nhưng chỉ cần kiên trì thuyết phục, giảng giải thì người ta sẽ hiểu ra…
Đúng vậy, tuy nhiều năm trôi qua nhưng giờ nhắc lại người dân Núi Thành vẫn trầm trồ thán phục: “Cô Minh gan thật, dám ôm xác chết đứng giữa đường chặn xe, quá liều luôn”. Đó là vụ án đồng nghiệp của chị đã bắn chết một thanh niên chỉ vì va chạm nhỏ trong đêm văn nghệ.
Trong lúc cả sân vận động đều hoảng sợ, người công an kia vẫn lăm lăm khẩu súng. Biết rằng thật nguy hiểm nếu gã dùng khẩu súng để liều chết thoát thân. Chị liền lấy khăn che mặt nạn nhân lại, rồi nói chỉ bị thương nhẹ thôi và thuyết phục anh ta đưa vũ khí.
Cầm được khẩu súng trong tay, chị ôm xác nạn nhân chạy ra đường chặn xe đưa đi cấp cứu. Còn mình quay lại đưa đồng đội đi trốn vì biết nếu để người nhà tới thì sẽ đánh hung thủ đến chết.
Bắt tội phạm đâu nhất thiết phải dùng vũ lực ?!
Rồi có những vụ án mà khi xong xuôi, nhìn lại chị tự hỏi không hiểu sao lúc đó mình liều lĩnh thế?!
Đó là vụ việc làm rúng động làng quê yên bình một thời: ông Nguyễn Huynh vì ghen mà ra tay chém chết vợ. Đến sáng khi người dân có mặt thì ông đứng bên bà vợ đã chết, tanh mùi máu, tay vẫn cầm con dao và dọa nếu ai dám bước vào sẽ “liều chết”.
Người công an thôn miệt mài với nhiệm vụ mà quên đi hạnh phúc riêng tư.
Mọi người ai cũng khiếp vía, nhưng chị Minh lại một mình đạp cửa xông vào và nói “chú đưa con dao đây, chuyện gì cũng có cách giải quyết cả”, rồi lợi dụng lúc sơ hở chị nhanh tay đoạt lấy con dao và tóm gọn tên sát nhân.
Sau những vụ án đó tiếng tăm của bà trưởng công an thôn khiến thanh niên trai tráng khắp nơi phải “kiêng dè”. Ngay cả những cu cậu choai choai quậy nhất trường Cao Bá Quát đóng trên địa bàn thôn chỉ cần nghe thấy… tiếng ho của cô Minh thì phải chạy “mất dép”.
Gần 40 năm trong nghề chị đã trải qua biết bao vụ án khó quên. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc thuyết phục được Phước “ổi”, một tên tội phạm truy nã ra đầu thú.
Một lần tình cờ gặp Phước trong quán nước nhưng chị giả vờ không biết gì, tìm cách tiếp cận và nói chuyện vui vẻ... Còn Phước “ổi” thì không lạ gì tài “phá án” của người phụ nữ đáng gờm này. Hắn biết rằng không thể thoát thân được nên đã dụ chị nhậu nhằm chuốc say để tẩu thoát.
Chị Minh nhấp chén trà, cười khà khà nói tiếp: “Nó hỏi tôi biết nhậu không? Tôi trả lời uống được chút chút thôi. Sau đó hai chị em uống hết thùng bia, uống được nữa chừng nó thú tội hết... Rồi còn hỏi tại sao không bắt nó? Tôi nhẹ nhàng khuyên giải, sáng mai ra đầu thú thì tội em sẽ được giảm nhẹ”.
Thật vậy, sự chân thành của chị Minh đã cảm hóa được tên giang hồ khét tiếng. Ngay sáng hôm sau, anh ta cùng chị vào huyện đầu thú. Sau khi được trả tự do, Phước quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ đây, anh đang là một ngư dân siêng năng cần cù và xem chị Minh như “người mẹ thứ hai” của mình.
Lấy công việc làm niềm vui
Chị tâm sự: “Làm nghề vất vả nhưng vui lắm! Hạnh phúc lớn nhất là được dân thương yêu. Khi người dân đặt niềm tin vào mình thì chuyện khó đến đâu cũng giải quyết được”.
Sau bao nhiêu năm thầm lặng cống hiến cho xã hội, bây giờ ở tuổi xế chiều, chị vẫn cô đơn trong căn nhà trống hiu quạnh do người cháu xây tặng. Công việc của chị vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng mỗi tháng chỉ nhận được 700 nghìn trợ cấp.
Tạm biệt chị ra về, trên gương mặt chị vẫn hiện rõ nụ cười tươi. Nhưng tôi biết ẩn đằng sau đó là những nỗi lo toan cho cuộc sống mưu sinh và nỗi buồn vô tận của một cô gái đã qua tuổi thanh xuân từ lâu nhưng vì quá tất tả với công việc mà quên đi hạnh phúc riêng tư của mình…