Trước thực trạng Bộ GD&ĐT sẽ bỏ biên chế giáo viên, bài thơ "Nếu giáo viên không còn trong biên chế" ra đời đã tạo nên một làn sóng quan tâm của Cộng đồng mạng khi chạm đến trái tim của đông đảo giáo viên khắp mọi miền đất nước.
Một giáo viên vùng cao ngã xe trên con đường gieo "cái chữ". Ảnh: VNN |
Những ngày qua, việc Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ biên chế khiến không chỉ những người trong ngành quan tâm mà còn nhận được cả dư luận cũng đang xôn xao. Không nằm ngoài thời sự, tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân bài thơ "Nếu giáo viên không còn trong biên chế" để nói nên nỗi niềm của nhiều giáo viên trước thực tại trên.
Ngay sau khi đăng tải, bào thơ đã được một fanpage của giáo viên chia sẻ lại. Bài viết đã chạm đến trái tim của đông đảo giáo viên khắp mọi miền đất nước.
Chia sẻ về bài thơ anh Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Là một người có người thân làm nghề giáo, và cũng từng tham gia các chuyện thiện nguyện lên vùng cao được sống, trải nghiệm cùng những thầy cô giáo cắm bản nên anh rất hiểu và thương với những giáo viên vùng sâu vùng xa.
Theo anh, việc biên chế là động lực cho những giáo viên tâm huyết lên đường "gieo con chữ" ở những nơi địa đầu Tổ quốc, đầy khó khăn vất vả.
Đồng quan điểm với tác giả, cô giáo Vân Phạm (Mù Cang Chải, Yên Bái) bày tỏ: “Nhà nước đang có nhiều chế độ thu hút mà vẫn chưa nhiều giáo viên giỏi đến với vùng cao. Vậy, giáo dục vùng cao sẽ đi về đâu nếu bỏ biên chế?”.
Bài thơ thể hiện lo ngại của tác giả về thực trạng của giáo dục nếu như thực hiện việc tinh giản biên chế. Đó là nhà trường sẽ thiếu đi những thầy cô tâm huyết để giảng dạy, truyền bá kiến thức, thay vào đó, mục đích chính của việc đứng trên bục giảng là đồng tiền.
Nếu giáo viên không còn trong biên chế
"Nếu giáo viên không còn trong biên chế
Kỹ sư tâm hồn thành cử nhân kinh tế hết thôi
Lên giảng đường chủ yếu kiếm “thịt, xôi”
Tìm đâu ra những thầy cô tâm huyết…
Giáo dục nước nhà còn nhiều điều khiếm khuyết
Giáo viên rất cần được khuyến khích, động viên
Nhà giáo đến trường không chỉ để kiếm tiền
Tri thức, nhân văn mới là điều trên hết…
Khi nước nhà phát triển lên rõ rệt
Giáo viên hợp đồng không mỏi mệt mưu sinh
Xã hội văn minh, ấm áp, chân tình
Thì hợp đồng cũng giống như biên chế
Nhà giáo đến trường không chỉ vì kinh tế
Mà vì cả Việt Nam trong vị thể hùng cường…".
Trong một diễn biến liên quan, sau khi Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu sẽ thí điểm bỏ biên chế tại trường đại học, chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư Phạm Hà Nội, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này.
"Nếu giờ đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ bỏ biên chế để đổi thành hợp đồng lao động ở các trường đại học, tôi nghĩ sẽ có một lượng khá lớn nhân tài ra đi ngay lập tức", TS Hương khẳng định.
Trong khi đó, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho rằng bỏ biên chế là đề xuất vô bổ, nặng hơn là nguy hại. Đề xuất này không làm phát triển, nâng cao phong trào, chất lượng giáo dục, mà có thể làm nát hệ thống giáo dục.
Đức Hòa (tổng hợp)