Cúng Thần Tài vào ngày mồng 10 Tết hàng năm là nét văn hóa dân gian có từ lâu đời. Theo quan niệm dân gian, Ngày Thần tài – tức ngày mùng 10 tháng Giêng, là ngày đẹp để cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt, nhiều tài lộc.
Cúng Thần Tài-Mồng 10 Tết theo dân gian là ngày Thần Tài mang nhiều tài lộc |
Lễ vật cúng ngày Thần Tài
- 1 bình bông thọ, 5 thứ trái cây (có trái dừa ), 5 cây nhang, 5 chun rượu đế, 2 đèn cầy, 2 điếu thuốc, gạo, muối hột, vàng bạc đại 2 miếng.
- 1 bộ tam sên gồm: 1 miếng thịt ba rọi, 1 hột vịt, 1 con tôm ( hay cua ).
Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món cua biển và heo quay, chuối chín vàng.
Văn khấn Thần Tài Thổ Địa
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
- Con kính lạy các ngài Thần Linh, Thổ Địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là:…………………………………Tuổi:…………………..
Ngụ tại………………………………………………………………………..
Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…………………(âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thần.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Ngoài ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, mọi người vẫn chọn mùng 10 âm lịch hàng tháng để cúng Thần Tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó. Thế nên trở thành thông lệ, vào mùng 1 và 15 hoặc mùng 10 âm lịch hàng tháng, cùng với bàn thờ tổ tiên, các bàn thờ khác trong nhà cũng được các gia đình bày cỗ cúng.
(Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo)
Lưu ý:
- Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h – 7h và chiều tối từ 6h – 7 giờ, mỗi lần đốt 5 cây nhang. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa, và chưng thờ nải chuối chín vàng.
- Gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được rãi ra ngoài.
- Vàng, bạc đại đốt ở ngoài.
- Rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào.
- Bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.
- Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.
- Hàng tháng thường lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.
- Khi thỉnh tượng Thần Tài, Thổ Địa ngoài cửa hàng về, cần gói bọc trong giấy đỏ, hoặc trong hộp sạch sẽ, mang vào chùa nhờ các Sư trong chùa “Chú nguyện nhập Thần”, và nhờ các Sư chọn cho ngày tốt đem về nhà để an vị Thần Tài, Thổ Đại.
- Về nhà dùng nước lá bưởi rửa và đặt lên bàn thờ, mua các đồ cúng về cúng khấn là được, lần sau cúng vái bình thường.
- Khi thỉnh Thần Tài, Thổ Địa cũng có Thần Tài, Thổ Địa hợp với gia chủ, cũng có Thần Tài, Thổ Địa không hợp với gia chủ, chọn tượng Thần Tài, Thổ Địa mặt tươi cười, mặt sáng sủa, tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý.Việc cầu xin tài lộc được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lòng thành của gia chủ, phước đức và số vận của gia chủ. Thần Tài, Thổ Địa không thể cho hay biếu người khác, phải tự gia chủ thỉnh về.
Một sự tích về Ngày Thần Tài Chuyện kể rằng Thần Tài chỉ có trên trời, dưới trần gian không có, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, do say quá nên Thần Tài bị rơi xuống trần gian, không may đầu bị va vào đá nên nằm mê mệt không biết gì, sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì lấy làm lạ và tưởng ngài bị điên. Mọi người thấy vậy liền lột sạch hết quần áo mũ nón của Thần Tài và đem đi bán, Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và do bị va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai. Do sống trên thiên đình quen rồi nên Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian nên thường đi lang thang xin ăn khắp nơi. Thần Tài đi ăn xin thì gặp một nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin thì được chủ nhà mời vào ăn. Thần Tài được chủ quán cho ăn nên ông ra sức ăn rất nhiều đặc biệt là ông rất thích thịt heo vịt quay, điều kỳ lạ lúc này là khi ông vào quán này ăn thì không biết từ đâu khách kéo đến nườm nượp, người chủ quán thấy lạ nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn. Sau một thời gian người bán hàng đắt khách và cảm thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày lại được ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lại hay thích lang thang không tắm giặt. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn nữa và lại thấy hao phí đồ ăn cho một người ăn mày không đáng nên người chủ quán liền đuổi ông đi. Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy Thần Tài bị chủ quán bên kia đuổi thì liền mời Thần Tài vào ăn, cũng như lúc trước, mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn quán này rất đông. Mọi người thấy vậy nên ai cũng ra sức tranh giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để có thể kéo khách đến ăn đông, vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”. Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn ông đi mua lại quần áo, được mọi người dẫn đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc lại quần áo mũ nón vào thì Thần Tài sựt nhớ lại mọi chuyện trước kia và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và họ lập bàn thờ, tôn thờ ông từ đó, hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới. Ngày Thần Tài bay về trời cũng chính là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch.... |
Dã Quỳ (tổng hợp)