Không cần dẫn giải nhiều thuật ngữ chuyên ngành y tế và tố tụng, bằng tư duy sắc sảo và lập luận thuyết phục, BS Võ Xuân Sơn đã chỉ ra đầy đủ bản chất vụ án chạy thận làm chết 9 người tại BV Đa khoa Hòa Bình. Bài viết đang được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Chúng tôi xin đăng tải lại bài viết này.
Phiên tòa xử ở Hòa Bình đã đến đoạn cuối. Nhiều vấn đề đã được sáng tỏ. Sau đây, chúng tôi xin tóm tắt lại các vấn đề chính của vụ án này:
1. Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hòa Bình không được thành lập đúng theo qui định. Các luật sư gọi là bất hợp pháp.
Vào thời điểm thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo (2010), theo qui định lúc ấy thì Bộ Y tế mới có quyền thẩm định và cấp phép hoạt động. Nhưng đơn nguyên này không phải do Bộ Y tế cấp phép. Vậy, ai là người thẩm định, cấp phép cho đơn nguyên thận nhân tạo của BVĐK Hòa Bình hoạt động, người đó phải chịu trách nhiệm đối với các sự cố xảy ra liên quan đến các sai sót trong quá trình thẩm định, cấp phép.
Cái này có phần trách nhiệm lớn của Bộ Y tế. Vào thời điểm xảy ra thảm họa y khoa Hòa Bình, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành qui trình. Tuy nhiên, phần trách nhiệm lớn nhất lại là của Giám đốc bệnh viện. Khi thành lập một bộ phận mới, giám đốc bệnh viện phải bảo đảm nó có qui trình hoạt động. Nếu Bộ Y tế chưa ban hành qui trình chung cho cả nước, thì bệnh viện phải ban hành qui trình riêng cho cơ sở của mình.
Ở đây cũng có phần trách nhiệm rất lớn (lớn hơn trách nhiệm của Bộ Y tế) của người thẩm định và cấp phép hoạt động, vì đã cấp phép cho một đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động khi họ chưa có qui trình.
BS Hoàng Công Lương tại tòa với tư cách bị cáo. Ảnh: Như Hoàn.
3. Hệ thống lọc nước RO được lắp đặt sai kĩ thuật.
Vào thời điểm hiện nay, hệ thống đã được gỡ bỏ. Toàn bộ hồ sơ không có sơ đồ hệ thống. Sơ đồ hệ thống mà Tòa đang sử dụng là do anh Quốc, người trực tiếp bảo dưỡng hệ thống vẽ ra. Sơ đồ này cho thấy hệ thống lắp đạt sai. Việc không có bản sơ đồ chính thức trong hồ sơ cho thấy đây là sai sót lớn của việc lắp đặt, duy trì hệ thống trong suốt thời gia sử dụng. Hiện nay, còn có những nghi ngờ về nguồn gốc của hệ thống này.
4. Việc sửa chữa được tiến hành không đúng chuyên môn, sử dụng hoá chất không được phép.
Anh Quốc không được đào tạo chuyên môn về hệ thống RO. Khi sửa chữa, anh cũng không được cung cấp hướng dẫn của nhà sản xuất, không được cung cấp sơ đồ của hệ thống. Do không được đào tạo, anh Quốc cũng không biết rằng các hóa chất anh sử dụng không được phép sử dụng trong y tế. Cũng vì vậy mà anh Quốc không làm cái việc phải làm là thử test nhanh xác định không còn tồn đọng hóa chất dùng để súc rửa trong hệ thống.
1. BS Lương có kiểm tra trước khi ra y lệnh.
Theo lời khai của các bện tại Tòa, thì cả BS Lương, các điều dưỡng, và anh Quốc đều đã xem đồng hồ, phương tiện kiểm tra duy nhất mà họ có, và đồng hồ báo nước đạt chuẩn. Khi đấy không ai nói là đồng hồ bị hư, cũng chẳng có tín hiệu nào cho biết đồng hồ bị hư. Việc xác định đồng hồ hư là sau khi xảy ra thảm họa, và do một cơ sở có đủ phương tiện, năng lực kết luận.
2. Việc BS Lương cho y lệnh chạy thận có phải là nguyên nhân đưa độc tố vào cơ thể người bệnh hay không?
Anh Quốc có đề cập đến việc đề xuất thử xét nghiêm AAMI trước khi cho hệ thống chạy. Có 2 vấn đề đặt ra, lời khai này có đúng không, và đề nghị của anh Quốc có hợp lí không?
Trên thực tế, đã qua 16 lần bảo dưỡng hệ thống, chưa bao giờ anh Quốc (và tất cả các bên) yêu cầu xét nghiệm này. Tạo sao lần này anh Quốc lại đề nghị thử xét nghiệm AAMI? Ngoài ra, khi thấy hệ thống đã được khởi động, anh Quốc đã không ngăn chặn. Như vậy, khả năng lời khai này không đúng sự thật rất cao.
Theo BS Bùi Nghĩa Thịnh, chuyên gia về hệ thống lọc thận, theo các qui trình chuẩn của Mỹ, việc thử chất lượng nước sau bảo dưỡng là do bên bảo dưỡng thực hiện, bằng test nhanh, test đúng cho loại hóa chất mà họ sử dụng trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa. Việc này đã không được thực hiện. Cũng theo BS Thịnh, xét nghiệm AAMI chỉ là xét nghiệm định kì để đánh giá về chất lượng nước, xét nghiệm này không có chức năng kiểm tra sau sửa chữa.
Về trách nhiệm, BS Lương không có trách nhiệm phải biết anh Quốc đề nghị gì. Khi hệ thống được anh Sơn bàn giao cho đơn nguyên thận nhân tạo, thì có nghĩa là mọi thứ đã sẵn sàng. Đồng hồ cũng xác định là nước tốt. Như vậy, BS Lương không được phép trì hoãn việc chỉ định lọc thận cho những người bệnh đang chờ.
3. BS Lương có lỗi gì không?
Khẳng định ngay là BS Lương có lỗi. Và cũng khẳng định ngay, có lỗi chứ không phải có tội. Bởi vì lỗi của BS Lương là lỗi hành chính, không phải nguyên nhân gây ra thảm họa, làm chết 8+1 người.
BS Lương đã không chờ có biên bản bàn giao bằng văn bản được kí kết mới cho chỉ định lọc thận. Đó là lỗi về thủ tục. Thực tế là hệ thống thực sự đã được bàn giao, chỉ là bàn giao bằng lời nói mà chưa có văn bản, chữ kí.
Nhưng lỗi này không phải là nguyên nhân đưa chất độc vào cơ thể bệnh nhân. Trong trường hợp BS Lương chờ mọi người kí xong biên bản giao nhận rồi mới cho chỉ định lọc thận, thì độc tố vẫn cứ chui vào cơ thể người bệnh, và thảm họa vẫn cứ xảy ra.
Sẽ có người lí luận là nếu BS Lương không chỉ định lọc thận, thì bộ phận vật tư đã có thể cho lệnh ngừng chạy thận để làm xét nghiệm AAMI. Điều này sai hoàn toàn. Bằng chứng là sau đó, tất cả những người liên quan đã kí vào biên bản bàn giao. Dù rằng các biên bản đó là bất hợp pháp về mặt pháp lí, nhưng nó cho thấy, tất cả những người kí vào đó đều ý thức rằng, việc sửa chữa đã thực sự hoàn tất.
4. BS Lương có chức vụ quản lí không?
Thực tế, chưa ai phong chức cho BS Lương cả. Nhưng cứ cho là có việc phong chức bằng lệnh miệng, thì việc phong chức đó là bất hợp pháp. Thứ nhất ông Khiếu không có quyền phong chức cho BS Lương. Thứ hai không có qui chế nào cho phép phong chức bằng lệnh miệng. Và thứ ba là không có chức vụ nào được phong mà không kèm theo phụ cấp trách nhiệm. BS Lương không có phụ cấp trách nhiệm.
Nhưng ngay cả khi BS Lương được phong chức thật đi chăng nữa, thì không có qui định nào bắt BS Lương phải có trách nhiệm với hệ thống lọc nước, vốn là việc của Phòng Vật tư bệnh viện. Điều này sẽ bị loại trừ nếu như trong quyết định phong chức bằng văn bản có qui định BS Lương phải chịu trách nhiệm về hệ thống vật tư. Và đây là việc mà, như các luật sư cho biết, đã được cố tình ghi vào biên bản lời khai để buộc tội BS Lương.
Ông Đinh Tiến Công khẳng định thêm một lần nữa trước toà là đã ghi thêm biên bản theo chỉ đạo sau sự cố chạy thận
- BS Lương là một bác sĩ điều trị, đã làm tròn trách nhiệm của mình. Những trách nhiệm liên quan đến hệ thống nước không thuộc phạm vi trách nhiệm của BS Lương.
- Những sai sót trong việc thẩm định, cấp phép, giám sát hoạt động, lắp đặt sai, bảo trì bảo dưỡng sai... không thuộc phạm vi trách nhiệm của BS Lương. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về giám đốc bệnh viện, trưởng phòng Vật tư của bệnh viện, công ty Thiên Sơn, đứng đầu là giám đốc công ty. Liên đới trách nhiệm là Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế.
- Việc không có qui trình trong việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO dẫn đến hệ quả là không thể qui được trách nhiệm cho BS Lương, và là yếu tố giảm nhẹ cho cả anh Sơn và anh Quốc. Trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về giám đốc bệnh viện, ông Trương Qúy Dương, trưởng phòng Vật tư bệnh viện, ông Trần Văn Thắng, giám đốc công ty Thiên Sơn, ông Đỗ Anh Tuấn. Và liên đới trách nhiệm vẫn là Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế.
- Lỗi của BS Lương là lỗi hành chính, chỉ xử lí hành chính. Có thể kỉ luật, trừ lương... nhưng không thể xử lí hình sự.
Thảm họa y khoa Hòa Bình là thảm họa lớn nhất trong lịch sử y học của Việt Nam. Nếu không có cái nhìn thấu đáo và tích cực, sẽ có những thảm họa khác xảy ra. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình đã bỏ ra ngoài tất cả những người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm để xảy ra thảm họa, để cáo buộc tội lỗi đổ lên đầu BS Lương.
"Chỉ có người dân chết là không đúng quy trình, còn lại chúng ta đúng quy trình hết - LS Trần Hồng Phúc
* Tiêu đề bài viết và lời dẫn sau tiêu đề do tòa soạn đặt.