Trong mấy ngày qua, nhiều báo đài Trung Quốc (TQ) như Hoàn Cầu thời báo, Hồ Nam nhật báo, Tân Hoa xã, Tân văn xã, Đài Phượng Hoàng ra sức tuyên truyền về việc một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam phát hành bản đồ dọc chính thức khổ lớn đầu tiên của nước này, khác với thông lệ xưa nay bản đồ TQ thường có hình ngang.
Trong đó, tấm bản đồ ngang nhiên thể hiện cả đường lưỡi bò phi lý liếm gần trọn biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Nếu chiểu theo bản đồ này thì chiều rộng của TQ là 5.200 km, còn chiều dài lên tới 5.500 km vì được cộng thêm phần nằm trong đường lưỡi bò, một điều hết sức vô lý và ngang ngược.
Các bản đồ ngang hiện nay của TQ cũng thể hiện đường lưỡi bò, Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng nằm trong một ô vuông phía dưới bên phải với tỷ lệ nhỏ hơn. Vì thế, tấm bản đồ dọc trắng trợn nói trên là một bước đi mới của TQ nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền VN.
Nguy hiểm hơn là theo truyền thông TQ, bản đồ này sẽ được phân phối cho các trường tiểu học và trung học nước này. Điều này cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục thông tin sai lệch cho người dân và thế hệ trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Nhận định với PV Thanh Niên, tiến sĩ Christopher Roberts (ĐH New South Wales, Úc) nói: “Vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục TQ đã cấy vào đầu người dân niềm tin là biển Đông thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này” còn chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) lo ngại: “Một bộ phận không nhỏ người dân TQ tin rằng họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại biển Đông và hệ lụy nguy hiểm là Bắc Kinh sẽ tiếp tục không chịu thỏa hiệp”.
Tấm bản đồ dọc phi pháp của Trung Quốc - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
Trong diễn biến khác, hôm qua Bộ Ngoại giao Lào gửi công hàm trả lời công hàm của Đại sứ quán VN tại Lào về tình hình biển Đông kể từ khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN. Trong công hàm, Lào khẳng định biển Đông là khu vực quan trọng và nhạy cảm nên đang theo dõi chặt chẽ và tỏ ra lo ngại về diễn biến tình hình ở biển Đông. Nước này đề nghị các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Lào cũng cho rằng cần được duy trì và tăng cường hơn nữa các cuộc tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Trước đó, theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 20.6, tại trụ sở Quốc hội (QH) Na Uy, Đại sứ VN tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai đã làm việc với bà Anniken Huitfeldt, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của QH Na Uy, thông báo về việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng VN; đồng thời trao thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH VN Trần Văn Hằng gửi bà Anniken Huitfeldt, đề nghị bà chuyển tới các nghị sĩ QH Na Uy thông cáo của QH VN về việc làm sai trái nêu trên của phía TQ; đề nghị QH Na Uy cùng QH các nước trên thế giới, với tinh thần công tâm, khách quan, đồng hành cùng QH và nhân dân VN lên tiếng bảo vệ chính nghĩa và lẽ phải của VN, tôn trọng và bảo vệ giá trị của luật pháp quốc tế, yêu cầu TQ đình chỉ những việc làm sai phạm, rút ngay giàn khoan và lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển VN.
Bà Anniken Huitfeldt bày tỏ quan tâm về tình hình vụ việc nêu trên và khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay. Bà Huitfeldt hứa sẽ chuyển đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng tới các nghị sĩ QH Na Uy.
|
Xem thêm video Trailer Quê em mùa nước lũ mới nhất của Phương Mỹ Chi