Phòng làm việc của giáo viên nằm ở hành lang, ngoài hiên… hứng nhiều nắng, gió là thực trạng của nhiều trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Lên xã biên giới Hòa Thạnh (Châu Thành, Tây Ninh), chúng tôi ghé thăm Trường Mẫu giáo Hòa Thạnh. Cô hiệu trưởng Lương Kim Chi tiếp chúng tôi tại bàn làm việc đặt ở khoảng hành lang hẹp giữa hai dãy phòng học, bề ngang chỉ hơn 1 m chút xíu. Trường chỉ có năm lớp chia làm hai dãy, không có phòng cho giáo viên, hiệu trưởng.
Nắng rọi tới đâu, dời bàn tới đó
Cô Kim Chi vui vẻ cho biết: “Được như vầy là đỡ rồi đó. Năm ngoái, nhà trường được phụ huynh mua tôn lợp trên cái hành lang này nên chúng tôi mới ngồi đây làm việc được. Trước đó, bàn làm việc của hiệu trưởng kê ngay ngoài mái hiên, nắng rọi tới đâu phải dời bàn tới đó”.
Từ xã biên giới Hòa Thạnh, chúng tôi đến một xã biên giới khác là Ninh Điền. Trường Mẫu giáo Ninh Điền có vẻ khang trang hơn nhưng bàn làm việc của cô hiệu trưởng cũng được kê ngay ngoài hiên.
Cô hiệu trưởng Đỗ Thị Thu chia sẻ: “Trước đây công tác sáu năm ở Trường Mẫu giáo Hảo Đước, tôi cũng phải ngồi làm việc ngoài hiên. Năm 2010, tôi chuyển về trường này, cũng phải làm việc ngoài hiên. Nắng, gió vùng biên khắc nghiệt lắm, sức khỏe tôi nhiều lúc không được đảm bảo”.
Bàn làm việc đặt ở hành lang của cô hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Thạnh (Châu Thành, Tây Ninh).
Nhà cô Thu cách trường rất xa, trưa cô phải nghỉ lại trường. Chỗ nghỉ của cô Thu là một cái giường nhỏ ở góc hành lang hẹp nằm giữa hai phòng học, ngay cạnh nhà vệ sinh.
Trường Mẫu giáo An Bình nằm giữa bốn bề nắng, gió. Cô hiệu trưởng Lương Thanh Hồng nói đùa: “10 năm qua làm hiệu trưởng, tôi toàn phải ở ngoài đồng”. Cô Hồng cho biết cô phải đưa sổ sách về nhà làm tới khuya rất vất vả. Ở trường cô không làm việc được vì nắng, gió thông thốc táp vô người. Nếu vô lớp ngồi làm việc ké thì gây bất tiện cho hoạt động của lớp, các em học sinh cũng rất ồn ào khiến cô không tập trung làm việc được.
Chưa có kế hoạch xây phòng cho giáo viên
việc các trường mầm non/mẫu giáo thiếu thốn về cơ sở vật chất tới mức không có phòng làm việc cho hiệu trưởng rất đáng để các cấp, ngành quản lý giáo dục của tỉnh Tây Ninh quan tâm.
Quy mô phòng học của các trường kể trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân. Các trường mầm non/mẫu giáo phải mượn phòng của nhiều trường tiểu học hoặc THCS trong xã để làm các điểm trường phụ. Một cô hiệu trưởng cho biết trong một lần họp gần đây với Phòng GD&ĐT, được biết sẽ có nhiều phòng học được xây thêm để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. “Chưa thấy ai nói gì về kế hoạch làm phòng cho giáo viên. Phòng học cho trẻ còn thiếu nên tôi cũng không dám hy vọng” - cô nói.
Bà Nguyễn Thị Xếp (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh) cho biết: Tỉnh Tây Ninh nói chung, huyện Châu Thành nói riêng, bậc học mầm non còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả tỉnh có 124 trường mầm non/mẫu giáo nhưng mới chỉ có 18 trường được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát cơ sở vật chất trường học năm 2013 của Sở GD&ĐT, chỉ còn huyện Châu Thành khó khăn tới mức không có phòng làm việc cho hiệu trưởng, giáo viên.
Theo Pháp luật TP HCM