Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở kỳ vọng rằng, việc bắn pháo hoa ở cầu này được so sánh với điểm bắn ở cầu cảng Sydney (Úc). Kinh phí là do doanh nghiệp đóng góp, tuy nhiên trong thời gian bắn pháo hoa phải treo băng rôn, khẩu hiệu của doanh nghiệp. Trước đề án này, nhiều người cho rằng, việc bắn pháo hoa như vậy là lãng phí, việc để doanh nghiệp quảng cáo là trá hình, lách luật... và doanh nghiệp quá "lời" khi được quảng cáo công khai như vậy...
Cầu Nhật Tân lung linh trong đêm. |
Không nên "vung tiền" vào... không khí
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH,TT&DL HN cho biết: "Sở đã trình UBND TP.Hà Nội đề án bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân để xin ý kiến". Theo ông Động, thành phố đã cho phép người dân tham quan cầu Nhật Tân, cầu dây văng dài nhất Việt Nam, do đó Sở có ý tưởng biến cây cầu thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến văn hóa cho du khách thăm Thủ đô. Việc bắn pháo hoa cũng sẽ được làm thường xuyên chứ không phải chỉ vào ngày lễ lớn.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội. |
Trong khi đó, TS. Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng: "Nếu định đưa việc bắn pháo hoa thành sự kiện quảng bá, xây dựng điểm du lịch thì cần phải chú ý các không gian công cộng xung quanh. Mình chưa có những khu vực không gian công cộng quanh cầu thì có thể dẫn đến nguy hiểm. Nếu so sánh cầu cảng Sydney sẽ thấy rõ, xung quanh cầu cảng có nhiều không gian để có thể ngắm được và người ta chỉ bắn một điểm đó thôi. Vì thế ở cầu Nhật Tân, rất dễ nguy hiểm khi người xem giẫm đạp lên nhau. Còn ở Úc, người ta cắm trại ngay nơi đó. Họ bắn pháo hoa tốn tiền song thu được "bộn tiền" từ du lịch. Họ thu lại số tiền lớn hơn nhiều số tiền chi cho bắn pháo hoa nên bài toán kinh tế được giải quyết dễ dàng...".
Trả lời câu hỏi, liệu bắn pháo hoa thường xuyên có gây lãng phí không, ông Hải cho rằng, pháo hoa để ghi nhận lại sự kiện lớn như ngày độc lập, ngày tết năm mới, những dịp đặc biệt của quốc gia, chứ ít đất nước nào thực hiện bắn pháo hoa thường xuyên như thế vì tốn kém. GS.KTS Hoàng Đạo Kính cũng phát biểu: "Theo tôi thì không nên vung tiền trong không khí để làm gì. Đó là tiền xã hội hóa thật đấy nhưng cũng là tiền của công dân. Chỉ nên bắn pháo hoa vào ngày lễ trọng đại trong năm thôi. Theo tôi, nên trang trí ánh sáng ban đêm cho cây cầu này. Việc bật đèn trang trí cũng nên làm tùy giờ, tùy ngày. Như thế, cây cầu sẽ tham gia vào bộ mặt đô thị cả về ban đêm bằng vẻ hấp dẫn của mình. Còn pháo hoa chỉ là vài phút, không nhất thiết phải tốn tiền tốn của vào đó".
Trước lo ngại việc tổ chức bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân tới xem và giao thông trong khu vực, ông Tô Văn Động nhấn mạnh: "Đề xuất của Sở VH,TT&DL là bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân chứ không phải trên cầu. Địa điểm bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân là bãi giữa sông Hồng và nếu triển khai, đây sẽ là lần bắn pháo hoa thí điểm đầu tiên. Nếu được ủng hộ, đề án này sẽ triển khai trong các năm tiếp theo và xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Việc bắn pháo hoa hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa. Hiện có 3 doanh nghiệp nộp đơn tài trợ cho hoạt động bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân với kinh phí là 1,3 tỉ đồng".
Ông Động nói thêm, khi ra đề xuất này, các cơ quan chức năng cũng đã nghiên cứu xem việc bắn pháo hoa ở đây có ảnh hưởng gì đến cầu Nhật Tân, đến giao thông hay không. Việc này đã được các cơ quan xem xét, tính toán kỹ lưỡng để trình lên thành phố. Kinh phí bắn pháo hoa là xã hội hóa 100%. Khi Sở mới có đề án đã có 3 doanh nghiệp đề xuất được góp tiền để bắn pháo hoa. Vì thế, doanh nghiệp sẽ "chung vai" gánh vác cùng Nhà nước.
Doanh nghiệp tài trợ có... điều kiện
Cũng tại cuộc họp này, ông Tô Văn Động đưa ra văn bản của một doanh nghiệp về việc tham gia tài trợ bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, văn bản cũng có đoạn, với phần kinh phí tài trợ như trên, họ rất mong sẽ nhận được sự đồng ý cũng như tạo điều kiện của UBND TP. Hà Nội, Sở VH,TT&DL HN để giới thiệu với du khách và nhân dân thành phố các sản phẩm của mình. Văn bản nêu rõ hơn: "Hình thức thực hiện là các bảng biểu, băng rôn trên tuyến đường dẫn từ thành phố lên cầu Nhật Tân, trên cầu và một đoạn đường dẫn qua cầu...".
Như vậy, việc tài trợ bắn pháo hoa của doanh nghiệp có thể thấy, không phải hoàn toàn vô điều kiện. Nhận xét về vấn đề này, họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết: "Cũng phải xem xét số lượng biển quảng cáo, băng rôn quảng cáo xem có vấn đề gì không? Nếu tiền quảng cáo phải nộp lại lớn hơn tiền doanh nghiệp định tài trợ thì không ổn. Còn nhớ, việc các doanh nghiệp quảng cáo "cứng" trên con đường gốm sứ đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội khi gắn logo doanh nghiệp trên con đường này. Đó là một cách quảng cáo vĩnh viễn và "lách luật". Tôi nghĩ, với tài trợ bắn pháo hoa cầu Nhật Tân, chúng ta cũng cần phải minh bạch, cần trao đổi công khai để tránh những kiểu quảng cáo "trá hình" như vậy".
Xung quanh đề án này, kỹ sư Lê Bằng Duy, Công ty Chiếu sáng Đô thị Hà Nội cho biết: "Bắn pháo hoa trong những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, Quốc khánh, 30/4, 10/10... đã là quá đủ, vì nguồn kinh phí dành cho việc này không hề nhỏ. Vẫn biết, đó là nhu cầu phục vụ người dân, muốn mang lại điểm nhấn cho mỹ quan đô thị, nhưng xã hội còn quá nhiều vấn đề phải bận tâm: Người nghèo, vô gia cư, trẻ em thiếu ăn - thiếu mặc... Nguồn vốn xã hội hoá nên xem cái gì cần thiết nhất, có lợi cho dân nhất thì làm. Nếu chi một khoản tiền lớn để bắn pháo hoa thường xuyên thì thật lãng phí".
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương tâm sự: "Thông thường, những dịp trọng thể như lễ tết bắn pháo hoa để phục vụ nhân dân là hợp lý. Tuy nhiên, không nên lúc nào cũng bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Cái chúng ta đang cần là một không gian công cộng mang màu sắc văn hóa cho người dân Thủ đô. Đó mới là điều đáng phải quan tâm. Trong khi xung quanh Hà Nội, bao nhiêu nơi chưa đẹp mắt. Việc bắn pháo hoa chỉ giúp thỏa mãn về thị giác, chỉ để nhìn cho vui mắt thôi".
Trong khi đó, kiến trúc sư Nguyễn Bảo Hà bộc bạch: "Tôi không phản đối việc bắn pháo hoa để cho vui ở nơi công cộng, nhưng đặt trong tình hình đất nước hiện nay, tôi không ủng hộ. Những người quan tâm đến các vấn đề thời sự của đất nước, hẳn ai cũng hiểu nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Tôi nghĩ những đồng tiền đó nên sử dụng vào việc gì đó hữu ích hơn, tăng cường đời sống của người dân thì tốt hơn. Hơn thế nữa, cầu dùng để đi, chứ không phải là nơi để bắn pháo hoa. Chúng ta đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào việc xây cầu phục vụ giao thông. Nếu bắn pháo hoa thường xuyên, mỗi lần bắn sẽ là một lần gây cản trở đi lại khi cấm đường. Hoặc nếu không cấm đường mà để người dân đổ lên cầu chiêm ngưỡng pháo hoa thì sẽ ùn tắc nghiêm trọng, vậy khi đó, không biết cầu Nhật Tân có lung linh như cầu cảng Sydney?".
Ý tưởng chưa được phê duyệt... Ông Tô Văn Động cho biết thêm: "Tôi xin khẳng định đây là ý tưởng của Sở VH,TT&DL HN, chưa được cấp có thẩm quyền nào của TP.Hà Nội phê duyệt. Ý tưởng này nảy ra do trong quá trình quản lý Nhà nước về lĩnh vực VH,TT&DL, chúng tôi thấy hợp lý nên đề xuất. Đây là đề án bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân chứ chúng tôi không nói là bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Đến nay, UBND TP. Hà Nội đã nhận được văn bản xin chủ trương của chúng tôi và đồng ý giao cho Sở VH,TT&DL HN xây dựng đề án". |
Theo Thành Hạnh/Đời Sống & Pháp Luật