Tin mới

Bảng cửu chương 2x9=19: Hiệu trưởng “chữa cháy”, vô trách nhiệm

Thứ ba, 29/07/2014, 08:21 (GMT+7)

Nhà trường đổ lỗi nhà in và “chữa cháy” bằng lý do đó là “bài tập trắc nghiệm” cho học sinh về bảng cửu chương vô lý “2x9=19”.

Nhà trường đổ lỗi nhà in và “chữa cháy” bằng lý do đó là “bài tập trắc nghiệm” cho học sinh về bảng cửu chương vô lý “2x9=19”.

Ở kỳ trước, chúng tôi đã đưa thông tin về bảng cửu chương…lạ, hoàn toàn vô lý: 2x9=19; 3x1=2 trong vở tặng học sinh khá, giỏi của Trường Tiểu học Hoàng Tây (xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Điều này đã khiến phụ huynh bàng hoàng, bất ngờ trước sai sót của nhà trường trước khi tặng cho học sinh. Trả lời chúng tôi, bà Trương Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng lỗi của nhà in và sau đó lại nói “bài tập trắc nghiệm cho học sinh”.

Cuốn vở in bảng cửu chương sai: 2 x 9 = 19 và 3 x 1 = 2 được Trường Tiểu học Hoàng Tây phát hành.

Trước lời giải thích này của người đứng đầu Trường Tiểu học Hoàng Tây, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng đây là cách “chữa cháy”, đổ thừa trách nhiệm cho người khác và thiếu trung thực. 

PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: “Nhà trường là người thuê in ấn sau đó tặng cho học trò, vậy mà lại nói không có trách nhiệm? Việc in sai như vậy ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của các em vì học sinh lớp 1 chưa được học bảng cửu chương. Bản thân phụ huynh, học sinh sẽ thiếu tin tưởng vào cách giáo dục của nhà trường. Tôi cho rằng, chất lượng người quản lý giáo dục ở đây là thiếu trách nhiệm. Việc sai mà không nhận, không sửa chữa mà lại “đổ thừa” cho người khác, “chữa cháy” thì đáng phê phán. Không phải riêng chuyện bảng cửu chương mà trong giáo dục đòi hỏi sự chân thực, nếu sai thì nhận khuyết điểm”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng cách trả lời của nhà trường là thiếu trách nhiệm.

Còn đối với PGS Văn Như Cương, ông bật cười khi biết thông tin bảng cửu chương in sai 2x9=19; 3x1=2. Ông cho rằng đây là sự sai sót của nhà trường, nhầm lẫn này có thể thông cảm được nếu sửa chữa sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phụ huynh, báo chí.

 “Vấn đề in sai, in lỗi hiện nay tương đối nhiều, ngay cả trên mặt báo chí. Tôi cho rằng khâu đọc lại rất sơ hở và thiếu trách nhiệm. Nhiều văn bản tôi phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần vẫn phát hiện ra những cái sai không ngờ đến như đánh nhầm số trang, sai năm, tháng…Thông thường tôi phải đọc lại 3 lần trước khi ban hành rộng rãi cho phụ huynh, học sinh…”, PGS nói.

Ông cho biết thêm, có nhiều trường hợp sai rất đáng tiếc hoặc có những lỗi sai không ngờ đến, có thể là do thói quen như câu “phòng và chống tham nhũng” nhưng nhiều người viết tắt thành “phòng chống tham nhũng” mà không có dấu phẩy, như vậy là sai.

Tiếp đó, ông kể câu chuyện vui về hai nhà toán học làm chung với nhau. Một ông bạn đi vắng và dặn dò người còn lại rằng bản thảo phải sửa chữa cẩn thận. Ông bạn này theo lời bạn làm rất tỉ mỉ, cẩn trọng không sai tí gì. Nhưng đến khi phát hành mới phát hiện một lỗi đó là ông bạn này quên ghi tên mình là đồng tác giả cuốn sách.

PGS Văn Như Cương cho rằng nhà trường nên xin lỗi phụ huynh và sửa chữa lỗi nhầm lẫn đó.

Câu chuyện thứ 2 từ chính trường hợp của PGS gần đây khi quyết định điều chỉnh điểm chuẩn vào trường THPT Lương Thế Vinh.

“Ban đầu trường tôi lấy 53 điểm, chỉ sau mấy tiếng đăng tải thông tin, tôi cân nhắc và quyết định lấy 53,5 điểm để đảm bảo chất lượng đầu vào. Việc điều chỉnh này khiến nhiều phụ huynh bất ngờ, sốc và nghĩ trường đánh máy sai.

Tuy nhiên, thiếu sót là do tôi điều chỉnh chứ không phải người đánh máy nhầm lẫn. Sau đó, tôi đã đến trường nhận lỗi và giải thích sự điều chỉnh đó cho phụ huynh”, PGS kể lại câu chuyện.

Vì vậy, ông cho rằng: “Từ chuyện này nhà trường phải rút ra bài học, nhầm lẫn là có xảy ra vì thế chúng ta phải cẩn trọng trong khâu in ấn trước khi giao cho trẻ con. Lỗi nhỏ nhưng nhiều em sẽ băn khoăn về bảng cửu chương chưa chuẩn xác này. Sai lầm trong trường hợp này không đáng trách lắm, tuy nhiên nhà trường cần rút kinh nghiệm và cần nhận trách nhiệm”.

Về lời giải thích của vị hiệu trưởng trường này đó là “bài tập trắc nghiệm” cho học sinh, PGS Văn Như Cương nói: “Không nên nói như vậy, đây là bìa vở chứ không phải bài tập giảng dạy cho học sinh.

Nhà trường nên xin lỗi phụ huynh  rằng “chúng tôi có sai sót và sẽ thay trang sách đó cho học sinh” chứ không phải trả lời lắt léo”.

Còn quan điểm của Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ thì việc in cố định trên bìa vở mà nói rằng bài tập trắc nghiệm cho học sinh là cách lấp liếm, phủi trách nhiệm của người đứng đầu trường này.

“Nhà trường không kiểm tra bản in trước khi phát cho các em. Nhà trường nên xin lỗi phụ huynh và nhờ họ sửa lại bảng sau cuốn vở. Ban giám hiệu nhà trường phải nhận thiếu sót trước khi phát hành chứ không nên nói “bài tập trắc nghiệm” cho học sinh”, nguyên Thứ trưởng cho hay.

Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Thanh niên ngáo đá "sút" bạn gái dã man giữa đường

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news