Tin mới

Bao cao su giả hiểm họa thật

Thứ sáu, 21/08/2015, 13:17 (GMT+7)

Hiện nay người sử dụng chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã các loại bao cao su trên thị trường mà bỏ qua vấn đề sức khỏe khi không quan tâm sản phẩm có phải là hàng thật hay không

Hiện nay người sử dụng chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã các loại bao cao su trên thị trường mà bỏ qua vấn đề sức khỏe khi không quan tâm sản phẩm có phải là hàng thật hay không

Phát hoảng vì hàng giả
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, vào trung tuần tháng 7, kiểm tra đột xuất kho hàng có dấu hiệu vi phạm tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện và thu giữ gần 700.000 BCS không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số hàng này không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ cũng như giấy kiểm định chất lượng. Theo nhân viên của công ty này, công ty thường nhập BCS rẻ tiền của Trung Quốc, sau đó đặt một đơn vị khác sản xuất hộp nhái của các hãng BCS nổi tiếng.

Thông tin trên khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang và lo lắng. Chị Vũ Thanh Hòa (giáo viên mầm mon ở quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, sau khi sinh 2 bé xong, vợ chồng chị thường sử dụng BCS để tránh thai khi quan hệ tình dục và các sản phẩm này chị đều mua ở hiệu thuốc gần nhà. Tuy vậy, đã có không ít lần chị bị dị ứng, mắc bệnh phụ khoa khi dùng BCS. “Tôi cứ nghĩ nguyên nhân là do cơ địa mình không phù hợp với loại BCS đó, nhưng nay nghe thông tin này, tôi cho rằng có lẽ mình đã mua phải sản phẩm kém chất lượng. Từ nay chắc tôi phải lựa chọn biện pháp tránh thai khác” - chị Hòa quả quyết.

Lực lượng chức năng kiểm tra số bao cao su không rõ xuất xứ

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các nhà sản xuất đã cho ra nhiều loại BCS với mẫu mã đa dạng, từ thông thường đến… “đặc biệt” (loại có gai, gân, bi, siêu mỏng), với giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/chiếc, tùy vào nguồn gốc xuất xứ, cấu tạo và tác dụng của sản phẩm. Mặc dù BCS ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, song hầu hết người mua chỉ chú ý đến mẫu mã và giá cả sản phẩm chứ không quan tâm có phải là hàng thật hay không, của nhà sản xuất nào và hạn sử dụng ra sao.

Báo cáo gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy, gần 50% số BCS đang bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả, hàng chất lượng kém, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Nguy cơ lây bệnh và vô sinh

Về những tác hại từ BCS giả, không đảm bảo chất lượng, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cảnh báo, để tiết kiệm chi phí, nhà sản xuất đã thay thế bằng các chất liệu rẻ tiền, khiến tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa và gây tổn hại đến hệ thống sinh sản. Do quy trình sản xuất BCS giả không an toàn, không được kiểm định về chất lượng nên đây còn là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Nếu sử dụng và bị viêm nhiễm trong thời gian dài, người dùng có thể  bị vô sinh. Bên cạnh đó, BCS chất lượng kém còn có khả năng bị thủng, rách bất cứ lúc nào. Điều này sẽ dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai… 

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở các sản phẩm kém chất lượng là chất tạo độ trơn không đảm bảo, độ liên kết đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất khá mạnh, nét chữ trên bao bì thường mờ, nhòe, vỏ thường làm từ nhôm, các cạnh lởm chởm, khó xé. Trong khi đó, BCS thật có logo và thông tin của chính hãng trên hộp, vỏ kẽm được in sắc nét, nổi ở cả hai mặt, mặt sau ghi rõ hạn sử dụng (thông thường là 5 năm). Bên cạnh đó, BCS “xịn” có đủ chất bôi trơn bên trong, màu sắc đồng đều.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, nếu phát hiện đơn vị, cá nhân nào kinh doanh BCS giả, Thanh tra Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định, đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. “Để đảm bảo sức khỏe, người dân nên đến những hiệu thuốc được cấp giấy phép để mua BCS thật và được hướng dẫn sử dụng, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản” - ông Nguyễn Việt Cường khuyến cáo.  

Hoài An (tổng hợp)/ theo An Ninh Thủ Đô

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news