Tính đến cuối giờ chiều ngày 5/11, bão số 12 đã làm 29 người chết, 29 người mất tích, gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cho các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Ảnh: Tuổi trẻ |
Báo cáo cập nhật thiệt hại của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho thấy, tính đến cuối giờ chiều ngày 5/11, bão số 12 đã gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường tổ chức họp khẩn đánh giá thiệt hại do báo số 12 gây ra, đồng thời triển khai ứng phó với các nguy cơ rủi ro thiên tai đang uy hiếp an toàn trên toàn tuyến hồ đập tại miền Trung. Ảnh: Lao động |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người là do nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.
Tính đến chiều ngày 5/11, bão số 12 đã khiến ít nhất 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người, Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người, 4 người sự cố tàu vận tải). 29 người khác hiện vẫn còn đang mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải).
Bão số 12 đã khiến 1.015 nhà bị đổ sập (Bình Định 81 nhà, Phú Yên 113 nhà, Khánh Hòa 691 nhà, Đăk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà); số nhà tốc mái, hư hỏng: 43.611 nhà (Quảng Ngãi 74 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 12.577 nhà, Khánh Hòa 29.382 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 69 nhà).
Diện tích lúa bị ngập lên tới 4.425ha (Bình Định 379ha, Phú Yên 113 ha, Khánh Hòa 3.748ha, Gia Lai 25ha, Đắk Lắk 60ha, Lâm Đồng 100ha). Diện tích rau màu: 25.314 ha, tăng 100ha (Quảng Ngãi 100ha, Bình Định 22ha, Phú Yên 16.707ha, Khánh Hòa 119 ha, Gia Lai 557ha, Đắk Lắk 7.699ha, Đắk Nông 110ha).
Số tàu cá bị chìm, hư hỏng: 228 tàu (Bình Định 2 tàu, Phú Yên 114 tàu, Khánh Hòa 112 tàu). Lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản: 1.491 lồng trong đó (Bình Định 10 lồng, Phú Yên 24 lồng, Khánh Hòa 1.457 lồng). Sự cố 8 tàu chìm tại tỉnh Bình Định, đã tìm thấy 4 nạn nhân, hiện các lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 17 thuyền viên còn mất tích.
Đến chiều 5/11, hàng loạt địa phương vẫn chìm ngập trong biển nước. Cụ thể, trên 80% đường giao thông tại TP.Huế bị ngập sâu từ 0,2-0,4m, cục bộ có điểm ngập sâu 0,6m gây ách tắc giao thông. Huyện Phong Điền, tỉnh lộ 17 đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn 1,5km, độ sâu ngập trung bình từ 0,8-1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phòng Bình ngập sâu từ 0,3-0,5m với chiều dài 300-500m...
Tại tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn: 15/22 xã ngập sâu trung bình 0,3-0,7m, sâu nhất là 1,0m; huyện Đại Lộc: 18/18 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,0m, sâu nhất 1,5m; huyện Duy Xuyên: 11/14 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,2m, sâu nhất 1,5m; TP.Hội An: 8/9 xã, phường ngập sâu trung bình từ 0,5-1,0m, sâu nhất 1,5m.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 17 xã thuộc 4 huyện bị ngập sâu trung bình 1,5m (Bình Sơn: 9 xã; Nghĩa Hành: 2 xã; Tư Ngãi: 4 xã; Sơn hà: 1 xã); thành phố Quảng Ngãi ngập sâu trung bình 0,3-0,4m (huyện Sơn Hà đã tổ chức di dời 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập đến nơi an toàn).
Tỉnh Bình Định hiện có 11 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,3-0,5m (huyện Tuy Phước: 5 xã; Phù Cát: 2 xã; Hoài An: 2 xã; TP.Quy Nhơn: 2 phường). Tỉnh Phú Yên, tại xã Xuân Sơn Bắc thuộc huyện Đồng Xuân bị ngập khoảng 0,3-0,5m.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, nguyên nhân thiệt hại lớn về người là do nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn (đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực).
Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế; Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn; Lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển.
Năng lực các của cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng, kinh nghiệm cán bộ, trang thiết bị, phương tiện; Công tác phối hợp đôn đốc, chỉ huy thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố gặp hạn chế và không kịp thời do không được thường xuyên tập huấn, diễn tập.
Đức Hòa (tổng hợp)