Tin mới

Bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường?

Thứ ba, 09/06/2015, 08:56 (GMT+7)

Theo luật sư, chậm nhất là sau 40 ngày quyết định bồi thường có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được nhận số tiền 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường án oan 10 năm.

Theo luật sư, chậm nhất là sau 40 ngày quyết định bồi thường có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được nhận số tiền 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường án oan 10 năm.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Thanh chấn được bồi thường 7,2 tỷ đồng sau án oan 10 năm, trao đổi trên Vnexpress luật sư Vũ Tiến Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết,  từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, chậm nhất là sau 40 ngày làm việc ông Chấn sẽ nhận tiền.

"Theo Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.

Theo quy định trên, đối với trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, Tòa án nhân dân tối cao là đơn vị xét xử gây án oan nên kinh phí bồi thường do Bộ Tài chính chi trả.

Luật này quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ, cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại.

Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại', luật sư Vinh phân tích. 

Bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường?

Bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường?

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 8/6, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Nhà nước phải đứng ra bồi thường thiệt hại, đó là nguyên lý. Vấn đề là thời gian qua việc bồi thường thiệt hại trong thời gian qua là rất chậm. Do cơ chế, việc bồi thường do chính những người làm oan đi bồi thường thì mặc dù có chấn chỉnh nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là cố tình dây dưa, trì hoãn gây khó khăn. 

Giải đáp câu hỏi "tại sao lại lấy tiền thuế của dân để bồi thường?" của phóng viên, ông Quyền nói: "Ở đây nó liên quan đến công tác cán bộ, công tác bộ nhiệm, tuyển dụng, xử lý kiểm tra thanh tra cán bộ. Hơn nữa, giữa việc bồi thường này với công tác cán bộ của chúng ta có liên quan rất mật thiết. Nếu chúng ta còn làm kiểu lỏng lẻo trong công tác cán bộ, giữa hiệp thương, giữa quy hoạch, tuyển dụng, luân chuyển.. ngay cả hiệp thương vẫn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy nhà nước thì tất cả những công tác yếu kém đó nhà nước phải chịu. Con dại cái mang. Và người dân phải chịu".

Trước đó, như tin tức đã đưa, ngày 5/6, tại buổi họp Quốc hội, Ông Trương Hòa Bình- Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, ông Nguyễn Thanh Chấn (56 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang) đã đồng ý mức bồi thường 7,2 tỷ đồng sau nhiều lần thương lượng. 

Bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường?
 

Chia sẻ với báo chí tối cùng ngày, ông Chấn cho biết, khi nhận được tiền ông sẽ trả hết nợ nần, chữa bệnh cho vợ, cất lại mái nhà mới để có nơi thờ cúng... Tuy nhiên, ông bảo chưa nhận được tiền bồi thường thì vẫn còn lo âu. Lo như ngày được ra tù, cán bộ bảo ông được tạm tha, ông hỏi lại: “Cán bộ cho tạm tha thì bao giờ bắt lại tôi”.

"Nhiều việc để lo lắm nhưng chưa nhận được tiền thì chưa biết thế nào. Tôi cũng hồi hộp lắm, mong nhà nước giải quyết sớm cho tôi càng nhanh càng tốt”, ông Chấn nói.

 ngày 30/8/2003, ông Chấn được triệu tập tới trụ sở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang để lấy lời khai. Ngày 28/9/2003, căn cứ vào những lời khai của ông Chấn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh tạm giữ đối với ông Chấn. Ngày 29/9/2003, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh “giết người”. Ngày 26/3/2004, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn phạm tội "giết người" với mức án tù chung thân. Tại phiên xét xử, bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.

Ngày 26 và 27/7/2004, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm. Cũng trong phiên phúc thẩm, bị cáo Chấn liên tục kêu oan, không nhận tội. Chính thức bản án phúc thẩm có hiệu lực. Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan và Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao xem xét.
Ngày 5/7/2013, bà Chiến vợ ông Chấn gửi đơn tới Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Trong đơn nói rõ thủ phạm gây ra vụ án giết chị Hoan là Lý Nguyễn Chung (quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan.

Ngày 29/10, Viện KSND Tối cao khởi tố vụ án hình sự giết người, cướp tài sản và khởi tố bị can đối với Lý Nguyễn Chung về hai hành vi này. Không lâu sau đó, ông Lý Văn Chúc là bố của Chung bị bắt giữ để phục vụ điều tra.

Ngày 4/11/2013, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và Phó viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 4/11, ông Chấn được thả về địa phương.

Ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở phiên tòa theo trình tự tái thẩm xem xét kháng nghị ngày 4/11 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội danh giết người. Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.

Tới sáng 25/1/2014, tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đại diện của Viện KSND Tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính công bố “Quyết định đình chỉ điều tra bị can” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Và ông Chấn chính thức được minh oan, không còn liên quan tới vụ án, sau hơn 10 năm ngồi tù án chung thân.

Ngày 17/3/2015, ông Chấn đã gửi đơn yêu cầu bồi thường, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường cho 10 năm tù oan sai của ông là khoảng 9,3 tỉ đồng. 

Ngày 17/4/2015, TAND Tối cao đã tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với ông Nguyễn Thanh Chấn trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, diễn ra tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung.


H.Minh tổng hợp

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news