Tin mới

Bão Linda 20 năm trước khiến 3.000 người chết và mất tích tại Nam Bộ khủng khiếp thế nào?

Thứ năm, 02/11/2017, 09:50 (GMT+7)

Sau 20 năm, người dân Nam Bộ vẫn chưa hết nguôi ngoai mỗi khi nhớ đến cơn ác mộng mang tên Linda (cơn bão số 5, cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong 100 năm trở lại đây) khiến 3.000 chết và mất tích.

Sau 20 năm, người dân Nam Bộ vẫn chưa hết nguôi ngoai mỗi khi nhớ đến cơn ác mộng mang tên Linda (cơn bão số 5, cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong 100 năm trở lại đây) khiến 3.000 chết và mất tích.

Hình ảnh tang tóc sau cơn ác mộng Linda. Ảnh tư liệu

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến chiều 2/11, cơn áp thấp hình thành từ 3 ngày trước sẽ suy yếu trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau - Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Trong khi đó, cơn áp thấp thứ 2 đã vào biển Đông và đang mạnh lên.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Tại thời điểm này, chính quyền và người dân Nam Bộ đang căng mình ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới cùng lúc hoành hành Biển Đông và đang tiến nhanh về đất liền theo hướng Tây Nam.  

Sự xuất hiện cùng lúc của 2 áp thấp nhiệt đới khiến nhiều người nhớ lại siêu bão Linda làm 3.000 người chết và mất tích cách đây tròn 20 năm.

Cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong 100 năm trở lại đây

Vào đêm 31/10/1997, vùng áp thấp ở khu vực nam Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, di chuyển theo hướng Tây. Đến trưa 1/11/1997, áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 600km về phía đông chếch nam và mạnh dần lên thành bão- cơn bão số 5 có tên quốc tế là Linda.

Bão Linda di chuyển với tốc độ 20km/h, mạnh lên cấp 8-10, gió giật cấp 10.

Cơn bão ám ảnh những người dân ở đây suốt cả cuộc đời. Ảnh tư liệu

Vào trưa ngày 2/11/1997, tâm bão Linda đi qua phía nam của Côn Đảo với sức gió đạt cấp 10, giật cấp 12. Tối 2/11/1997, bão Linda đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão Linda đi sang vùng biển Cà Mau- Kiên Giang và đi về phía tây vịnh Thái Lan.

Cơn bão Linda đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Bão Linda là cơn bão lớn đầu tiên người dân Nam Bộ phải đối mặt và cũng là cơn bão ám ảnh họ suốt cả cuộc đời. Được biết, những dự báo về cơn bão lịch sử này đã được đưa ra, nhưng không nhiều người tin đó là sự thật.

Trước khi bão tới, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã ban hành những cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên, do bão Linda di chuyển nhanh hơn dự kiến, các tỉnh miền Nam cũng là khu vực hiếm khi phải chịu sự tàn phá của bão lớn nên người dân ít có kinh nghiệm đối phó và có tâm lý chủ quan.

Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng do bão Linda gây ra là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đặc biệt, bão Linda đã trút xuống một lượng mưa lớn trên khắp các tỉnh miền Nam, tối đa đạt 23,3 cm tại Cần Thơ. 

Không chỉ tổn thất về con người, các tỉnh bị ảnh hưởng của bão còn phải chịu tổn thất nặng nề về mùa màng trên diện rộng. Cùng với đó, hệ thống giao thông bị hư hại nghiêm trọng đã gây cản trở không nhỏ cho những nỗ lực cứu trợ của Chính phủ.

Sự chủ quan đã phải trả một cái giá cực kỳ đắt

Phát biểu trong Hội thảo “Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm” diễn ra ngày 25/10/2017, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt Trung ương Lê Huy Ngọ cho hay, cơn bão Linda bất ngờ và "dị thường" đến mức đổ bộ vào Cà Mau- "vùng đất hàng trăm năm không có bão". Chính vì thế, người dân, thậm chí cả cán bộ, chính quyền địa phương ở đây cũng không thể tin rằng, cơn bão lịch sử Linda lại gây ra một thảm họa kinh hoàng như vậy.

Ông Lê Huy Ngọ kể lại, thời điểm đó, được nhận định bão Linda rất mạnh, ông đã chỉ đạo thành viên BCĐ Trung ương PCTT gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương trong đó để cảnh báo, nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”. Trong khi đó, bão Linda đi ở vĩ tuyến rất thấp, sát với bờ biển, sát với vùng đánh cá, sát với vùng sinh sống của người dân.

Khi xảy thảm họa, nguyên Bộ trưởng Ngọ cùng đoàn công tác của BCĐ đã bay đến Côn Đảo để kiểm tra tình hình và bàng hoàng trước cảnh tượng trên 2.300 người bị bão đánh dạt trên bờ, hàng trăm tàu thuyền bị đánh chìm. Ngày hôm sau, khi lực lượng chi viện tiếp cận, giải cứu được 700 người đang kẹt lại Côn Đảo.

Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ khẳng định: Làm công tác phòng, chống bão là phải lăn vào vùng bão, chủ động, quyết liệt, không thể “nghe điện thoại rồi chỉ đạo”.

20 năm trôi qua, người dân Nam Bộ vẫn bị ám ảnh bởi những gì cơn bão đã gây ra. Tại những địa phương có nhiều người chết và mất tích, tượng đài Linda đã được xây dựng để tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news