Bảo mẫu dùng tay tát nhiều lần vào má cô bé 5 tuổi khai nhận vì chuyện cá nhân nên đã nóng giận và đánh cháu bé. Vậy hành vi này của cô bảo mẫu có bị xử lý hình sự?
Công an huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đã bắt Trần Thị Hồng Phúc (26 tuổi), bảo mẫu cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) để điều tra xử lý về hành vi bạo hành trẻ em.
Trước đó, trưa 25/7, bảo mẫu Phúc cho cháu D. (5 tuổi, ngụ Đa Phước, Bình Chánh) ăn nhưng cháu không chịu ăn liên tục nôn ói. Bực tức, bảo mẫu Phúc đã dùng tay tát nhiều cái vào má phải cháu D.
Cháu D. bị bảo mẫu đánh vào má gây thương tích. |
Khoảng một lúc sau, phát hiện má phải cháu D. sưng tấy, bảo mẫu Phúc lo lắng dùng nước đá chườm vết thương và dặn cháu D. không nói cho ai biết mình bị Phúc tát. Sau khi thấy cháu D. có dấu hiệu bất thường, bảo mẫu Phúc mới báo với chủ cơ sở mầm non và cùng chủ cơ sở mầm non, gia đình đưa cháu D. đi thăm khám. Bác sĩ kết luận cháu D. bị chấn thương phần mềm.
Theo lời khai của Phúc, do bị nhiều áp lực (nuôi con nhỏ, mẹ và chị gái đang chữa trị tại bệnh viện) lại phải quản cùng lúc nhiều cháu nhỏ trong cơ sở mầm non.
Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Đức Hùng cho rằng, không thể chấp nhận bất kỳ lý do nào mà cô bảo mẫu này đưa ra để biện minh cho hành vi đánh cháu D.. Cô bảo mẫu này cũng là mẹ và hơn thế lại là bảo mẫu, được đào tạo để chăm sóc, yêu thương các cháu, vậy mà cô này lại dùng cách dùng bạo lực để chăm sóc các cháu.
Đã có khá nhiều vụ việc các bảo mẫu bạo hành các cháu bé và bị pháp luật xử lý nghiêm, thế nhưng gần đây vẫn còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em bị phát giác khiến các bậc phụ huynh cũng như xã hội bất bình. Đa số người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi bạo hành trẻ để làm bài học răn đe.
Luật gia Hùng cũng chia sẻ, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Pháp luật nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền Trẻ em. Luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực trẻ em cũng như không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Trong trường hợp trẻ bị bạo hành gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe từ 11% trở lên hoặc dưới 11% thì bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015 với tình tiết định khung “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” .
Tuy nhiên, để xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp cho người bị hại là người dưới 16 tuổi cần thiết phải có đơn yêu cầu khởi tố vụ án quy định tại Điều 155, Bộ luật TTHS 2015 (khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, trong đó có Điều 134).
Ngoài ra, hành vi của bảo mẫu Phúc còn có thể xem xét xử lý theo Điều 140 (tội Hành hạ người khác). Cụ thể người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 (tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên. Đối với 2 người trở lên.
Theo luật gia Hùng, với hành vi dùng tay tát làm sưng má cháu bé của bảo mẫu Phúc, cơ quan công an cần đưa cháu bé đi kiểm tra thương tích để làm căn cứ xử lý.
Xuân Hòa