Tin mới

Bão số 16: Lịch sử chưa từng ghi nhận cơn bão nào muộn và mạnh đến thế

Thứ hai, 25/12/2017, 10:44 (GMT+7)

Ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào cấp 12 hoạt động ở vùng biển này, cũng chưa có cơn bão nào muộn và mạnh như này.

Ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào cấp 12 hoạt động ở vùng biển này, cũng chưa có cơn bão nào muộn và mạnh như này.

Báo Vietnamnet, Dân trí đưa tin, chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16 - cơn bão có tên quốc tế Tembin đã khiến gần 200 người tại Philippines thiệt mạng.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra các chỉ đạo cần thiết và Thủ tướng đã có Công điện chỉ đạo các biện pháp ứng phó bão số 16; ghi nhận các địa phương đang tích cực triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, bão có thể gây thiệt hại lớn nếu chúng ta chủ quan, sơ suất bởi đây là cơn bão rất mạnh.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương và người dân nơi bão có khả năng ảnh hưởng theo dõi sát thông dự báo. Các địa phương tuyên truyền quán triệt đến người dân diễn biến của bão. Báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông cần thông tin đến người dân về nguy cơ bão số 16 đang đổ bộ vào khu vực.

Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát với tất cả khả năng, kịp thời thông báo tình hình đến các địa phương và nhân dân.

Các địa phương có những biện pháp cần thiết di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, các địa phương phải huy động các lực lượng có liên quan, nhất là lực lượng công an, quân đội, thanh niên giúp người dân chằng chống nhà cửa, giảm thiểu nhà bị sập đổ khi có bão. Bảo đảm an toàn cho các giàn khoan và tàu biển, trong trường hợp cần thiết, đóng giàn khoan, đưa công nhân đến nơi an toàn.

Trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào muộn và mạnh như bão số 16 - Ảnh 1.

Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Đối với việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ, Thủ tướng yêu cầu Bộ đội Biên phòng tìm mọi biện pháp liên lạc, thông báo về tọa độ bão, cấp bão, cấp gió. Khi cần thiết có thể sử dụng một số biện pháp mạnh đối với những hộ, những tàu cố tình không chấp hành lệnh di dời.

Các cấp, các ngành, địa phương có phương án cụ thể để chỉ đạo khắc phục ngay sau bão, không để nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói sau bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ có mặt tại nơi khó khăn để kiểm tra, chỉ đạo và "trụ tại tâm bão, dự kiến là tỉnh Cà Mau".

Tàu thuyền vào bờ tránh trú bão. Ảnh: Báo Đất Mũi

Ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, các Trung tâm khí tượng lớn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hong Kong dự báo, sau khi qua đảo Trường Sa lớn, bão sẽ giảm cấp nhẹ, khi đổ bộ vào Nam Bộ vào đêm mai, rạng sáng 26/12 vẫn đạt cấp 9-10, tại Côn Đảo có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, sóng biển cao 5-7m.

Từ chiều 25/12, ven bờ biển các tỉnh từ Vũng Tàu – Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7 và dần mạnh dần lên cấp 9-10. Các tỉnh Đông Nam Bộ dự báo cũng gió mạnh cấp 7-8, khu vực Bình Định – Bình Thuận gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

"Sau khi đi vào đất liền, sang đến biển phía Tây vẫn giữ cấp 8-9, nên các tỉnh Tây Nam Bộ đều có thể chịu ảnh hưởng bão cấp 10, giật cấp 13, sóng biển cao 4-6m, nguy cơ gây thiệt hại rất lớn", ông Cường nói.

"Đây là cơn bão rất đặc biệt. Trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào cấp 12 hoạt động ở vùng biển này, cũng chưa có cơn bão nào muộn và mạnh như này", ông Cường nhận định.

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news