Xuất phát điểm từ một đất nước nhỏ bé với sự khan hiếm nguồn tài nguyên nhưng thừa thãi thiên tai, Nhật Bản đã và đang khẳng định mình là một trong những cường quốc phát triển hàng đầu thế giới. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực, rèn giũa, cải cách không ngừng hệ thống giáo dục quốc gia nhằm ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng cho thế hệ măng non - thế hệ tương lai của đất nước.
Cùng nhìn lại những điều đặc biệt, thú vị trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản- cái nôi làm nên những con người đầy tài năng và phẩm chất này.
1. Không có kì thi trong 3 năm học đầu tiên
Người Nhật luôn đề cao đức tính, nhân cách của con người, vì vậy trong suốt 3 năm đầu tiên khi bước chân vào trường học, học sinh không hề phải trải qua bất cứ bài kiểm tra nào. Thay vì nhồi nhét hàng tá kiến thức cho trẻ để chuẩn bị cho các kì thi, họ dạy trẻ cách ứng xử, cách giao tiếp, kỹ năng đối phó với các tình huống diễn ra trong cuộc sống. Giáo viên được khuyến khích không nên đánh giá học sinh qua quá trình học tập, mà hãy nhìn vào tố chất và phẩm chất của đứa trẻ đó.
2. Dọn dẹp để luôn biết trân trọng mọi thứ quanh mình
Thứ được học nhiều nhất trên lớp đó là sự tôn trọng. Học sinh được dạy cách tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng thầy cô giáo của mình. Vì vậy, mối quan hệ giáo viên-học sinh trong trường học Nhật Bản luôn giữ được hình ảnh đẹp và nhân văn.
Học sinh dọn dẹp vệ sinh trường học |
Ngoài những người lao công, học sinh Nhật Bản cũng có nhiệm vụ dọn vệ sinh sau giờ học. Chúng lau chùi, quét tước lớp học, nhà vệ sinh. Học sinh được chia thành các nhóm nhỏ tùy theo từng nhiệm vụ. Những nhóm này sẽ thay phiên nhau trong suốt năm học, vậy nên mỗi học sinh đều tự mình trải qua tất cả các công việc được giao. Khi dọn dẹp, chúng lại được chia nhỏ và thực hiện từng nhiệm vụ một. Yêu cầu này giúp học sinh tăng khả năng làm việc nhóm, chia sẻ trách nhiệm và sự tôn trọng, trân trọng cần thiết cho con người và kể cả mọi đồ dùng xung quanh.
3. Học sinh Nhật Bản có những khẩu phần ăn giống nhau
Trừ những người bị dị ứng với một số thực phẩm, còn lại học sinh Nhật đều được cung cấp những khẩu phần ăn giống nhau với thực đơn chuẩn. Người Nhật giáo dục trẻ em luôn ưu tiên những loại đồ ăn dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe trong mỗi bữa ăn. Thực đơn được tư vấn từ các giáo sư dinh dưỡng và thực hiện bởi các đầu bếp tài năng. Bữa trưa đều được nấu nướng từ các nguyên liệu xanh, sạch, có nguồn gốc địa phương.
Học sinh Nhật tự phục vụ trong giờ ăn trưa |
Giáo viên cũng ăn trưa cùng học sinh nhằm tăng thêm sự gắn kết trong mối quan hệ thầy trò. Điểm đặc biệt khác là thông thường, học sinh thường phục vụ bữa trưa cho nhau như một cách thể hiện sự tôn trọng và sẻ chia những phúc lợi chung trong lớp học.
4. Dạy nghệ thuật truyền thống Nhật Bản ở các trường công
Khác hẳn với các quốc gia phương Tây, Nhật Bản coi nền tảng giáo dục và kiến thức nằm trong những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, ở các trường công, chương trình học bao gồm các môn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như Shodo (thư pháp Nhật) hay Haiku - thể thơ nổi tiếng và đặc trưng của văn hóa Nhật. Tất cả đều yêu cầu học sinh phải tiếp cận và nâng cao kiến thức ngôn ngữ cũng như một cách để nhắc nhở thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống.
5. Học sinh đều phải mặc đồng phục
Từ bậc trung học, các học sinh đều được yêu cầu mặc đồng phục do nhà trường cung cấp. Ở mỗi trường có đồng phục khác nhau, nhưng đều được quy định theo một số tiêu chuẩn như phong cách quân đội, đồng phục đen cho nam, váy và áo thủy thủ cho nữ. Màu sắc, cách cắt may và trang trí đều rất tinh tế, nhã nhặn. Một số trường học còn khắt khe với quy tắc về phụ kiện như ba lô, trang điểm hay thậm chí là kiểu tóc. Người Nhật quan niệm rằng việc mặc đồng phục sẽ làm tăng tính cộng đồng trong lớp học, khoảng cách về địa vị xã hội bị xóa bỏ và học sinh có thể toàn tâm toàn ý cho việc học tập và rèn luyện trên lớp.
Đồng phục nữ sinh Nhật là áo thủy thủ và váy |
Nhật Bản luôn nghiêm túc trong ổn định và phát triển các mặt, đặc biệt là giáo dục. Các quy định, tiêu chuẩn trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản đều rất khắt khe và được thực hiện một cách nghiêm túc bởi học sinh và giáo viên. Vì vậy, việc học kiến thức cũng như tu dưỡng nhân phẩm, đạo đức luôn được đảm bảo, cân bằng cho các học sinh, giúp các em có tương lai sáng lạn tài đức vẹn toàn.
Ka Linh