Tin mới

Bắt PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội: Bị tố cáo vẫn được bổ nhiệm

Chủ nhật, 08/03/2015, 08:39 (GMT+7)

Từng điều hành doanh nghiệp “đầu tàu” về nông nghiệp Thủ đô nhưng ông Phan Minh Nguyệt đã bị “sa lầy” tại những dự án mà mình được giao phó.  

Từng điều hành doanh nghiệp “đầu tàu” về nông nghiệp Thủ đô nhưng ông Phan Minh Nguyệt đã bị “sa lầy” tại những dự án mà mình được giao phó.



Việc ông Phan Minh Nguyệt bị “ngã ngựa” dường như đã được dự báo. Thế nhưng, có một điều lạ, dù dư luận đã râm ran từ khá lâu nhưng chẳng hiểu sao ông Nguyệt được điều động sang vị trí quản lý, giữ chức Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội. Ông này cũng không phải quan chức đầu tiên từng đi lên từ doanh nghiệp Nhà nước bị “nhúng chàm”.



Ông Phan Minh Nguyệt.


Để làm rõ hơn những thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm ông Phan Minh Nguyệt, PV báo Đời sống và Pháp luật cũng đã liên hệ với các ban, ngành của Hà Nội để tìm hiểu.Trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Sở NN&PTNT Hà Nội đã được cơ quan CSĐT – Bộ Công an thông báo việc ông Nguyệt bị bắt với những cáo buộc trên vì ông Nguyệt đã có hành vi tổ chức xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp; chỉ đạo kế toán của Công ty Hadico thu tiền thuê nhà, tiền thuê đất nhưng không nộp ngân sách Nhà nước. Được biết, hành vi của ông Nguyệt đã cho đối tác làm nhà trái phép và thu khoảng 17 tỉ đồng không nhập công quỹ, để ngoài sổ sách nhằm chia lợi bất chính.

Theo ông Mỹ, ông Nguyệt từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc công ty Hadico cho đến khoảng một năm trước (tháng 1/2014) thì được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Mỹ cũng khẳng định, những hành vi phạm tội của ông Nguyệt bị Cơ quan điều tra khởi tố, xảy ra trong khoảng thời gian những năm 2012-2013 tại Hadico, không hề liên quan đến Sở này và lãnh đạo Sở cũng không hề biết.

“Ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can của CQĐT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Đảng bộ khối cơ quan thành phố đình chỉ sinh hoạt Đảng với ông Nguyệt theo quy định. Hiện nay, phần công việc tại Sở của ông Nguyệt được tạm thời phân công cho người khác phụ trách”, ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

Theo như lời Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, sai phạm của ông Phan Minh Nguyệt xảy ra trong khoảng thời gian 2012 – 2013 khi ông này điều hành Hadico. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, thời điểm trên đã xuất hiện không ít đơn thư tố giác gửi tới Cơ quan điều tra, tố cáo những hoạt động sai phạm của Hadico trong lĩnh vực quản lý đất đai do một số cán bộ có vai trò lãnh đạo chỉ đạo, thế nhưng không hiểu vì sao ông Nguyệt vẫn được bổ nhiệm chức vụ quản lý cao hơn?

Cũng theo ghi nhận của PV, trường hợp quan chức “dính chàm” như ông Nguyệt không phải là dạng cá biệt. Trước ông này, dư luận từng ghi nhận không ít vụ quan chức bị phanh phui sai phạm trong giai đoạn điều hành doanh nghiệp. Điển hình phải kể đến vụ Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT), nguyên Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hiện, Dương Chí Dũng đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhớ lại thời điểm trên, nhiều người vẫn không khỏi sửng sốt.

Thời điểm đó, ai cũng biết, Vinalines làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa. Thế nhưng, ông này lại được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong bộ máy Nhà nước. Sau khi bổ nhiệm ít lâu, thanh tra có kết luận về những sai phạm tại công ty này, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Ông này bị phát lệnh truy nã và trở thành tâm điểm dư luận cũng như khơi mào cho những băn khoăn về vấn đề bổ nhiệm cán bộ. Thời điểm đó, người đứng đầu ngành giao thông nhìn nhận, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ hàng năm trước đây làm chưa tốt bởi nếu làm tốt thì đã có thể phát hiện ra ông Dũng vi phạm khuyết điểm.

Một trường hợp khác, liên quan đến vụ hối lộ 16 tỉ đồng xảy ra trong ngành đường sắt. Ông Trần Văn Lục giữ chức Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong thời gian từ năm 2000 đến tháng 9/2009.

Trước khi bị bắt, ông là Trưởng ban quản lý dự án Đường sắt (Cục Đường sắt, Bộ GTVT). Ông này bị “nhúng chàm” liên quan đến vụ nhận hối lộ của JTC từ thời kỳ làm việc tại Tổng công ty. Ông Lục được cho là người liên quan tới thời điểm mở hồ sơ thầu để chọn nhà thầu tư vấn. Kết thúc thời gian chọn thầu và tạm ứng tiền cho nhà thầu thì ông Lục nghỉ.

Nhóm P.V (Đời sống && Pháp luật)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news